Tinh thần di sản trong đời sống đương đại
Văn hóa - Ngày đăng : 17:35, 24/01/2023
Nguồn cảm hứng bất tận
Duy trì trong suốt thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là trưng bày “Nếp xưa” tại Bảo tàng Hà Nội, nơi công chúng Thủ đô và du khách có thể tìm lại không gian sống của người Hà Nội cách đây hơn một thế kỷ. Với cung cách bài trí chuẩn xác, sống động cùng nhiều câu chuyện minh họa đi kèm, trưng bày phản ánh sâu sắc lối sống, phong cách ứng xử, phục trang và cả phong tục ngày Tết của người Hà Nội xưa; qua đó truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ hôm nay, tạo sự kết nối giữa văn hóa truyền thống và đời sống đương đại.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, do quy luật cuộc sống, Hà Nội hiện giờ đã rất khác so với khi xưa, từ kiến trúc, phố phường, không gian sống… đến nền nếp sinh hoạt. Để nuôi dưỡng tình yêu, chúng ta cần giữ lại ký ức đẹp, những kỷ niệm ngọt ngào và trưng bày “Nếp xưa” có cùng mục tiêu như thế. “Hiểu được văn hóa truyền thống, chung tay gìn giữ, tiếp nối phù hợp sẽ góp phần hình thành những lớp người Hà Nội mới, năng động và văn hóa, để chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển bền vững”, ông Nguyễn Tiến Đà nói.
Trưng bày “Nếp xưa” chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy di sản văn hóa đang là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật đương đại.
Mới đây, chuỗi trưng bày nghệ thuật khai thác từ chất liệu di sản và lịch sử đã thành công vang dội tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - năm 2022, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tại đây, một loạt hoạt động trình diễn, trưng bày, sắp đặt, tương tác…, như: Không gian sắp đặt đèn lồng “Cuộc gặp gỡ Xưa - Nay”, Không gian sắp đặt “Ngũ hành”, trưng bày tác phẩm trống “50/50”, triển lãm hiện vật ký ức 22 Hàng Buồm… được khởi động, đưa người xem đến một thế giới sáng tạo bất tận trên nền di sản dân tộc.
Trước đó, tác phẩm điêu khắc sắp đặt “Thị tiên ở chốn thị thành” của nghệ sĩ Phạm Khắc Thắng tại không gian sáng tạo “Toong” lấy cảm hứng từ nghệ thuật rối nước kết hợp với nghệ thuật sắp đặt âm thanh, ánh sáng đương đại, cũng mang đến góc nhìn mới mẻ về một hình tượng đã rất gần gũi, thân quen với văn hóa dân gian.
Sức sống trường tồn
Có bề dày ngàn năm văn hiến cùng năng lực sáng tạo nổi trội suốt dặm dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã trưng cất cho mình nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, hàm chứa giá trị vật chất, tinh thần vô cùng to lớn. Đây chính là nền tảng, nguồn lực quý giá để Hà Nội phát huy trong quá trình phát triển bền vững đô thị. Chung tay với thành phố là cả cộng đồng sáng tạo đông đảo và mới mẻ, thiết tha yêu và đầy trách nhiệm với sự trường tồn của văn hóa truyền thống.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, văn hóa dân gian không chỉ là những chuyện đàn ca hát xướng, mà là trí tuệ của cả một dân tộc gửi gắm trong đó. “Bên cạnh các loại hình văn hóa mới được du nhập, thì văn hóa dân gian cũng đã có sức sống khá mạnh mẽ sau khi được “tái cấu trúc” bởi nhiều hình thức khác nhau thông qua hội họa, âm nhạc, thời trang... Nhiều bạn trẻ đã rất giỏi khi vận dụng, ứng dụng văn hóa dân gian vào trong các lĩnh vực nghệ thuật, làm cho chất truyền thống, tinh thần di sản hòa thành một dòng chảy mạnh mẽ với dòng chảy chung của dân tộc”, ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
Những điều này đã được chứng minh qua rất nhiều sự kiện, chuỗi hoạt động dài hơi đã và đang được duy trì ở Hà Nội, như: Dự án “Tôi chèo về quê hương” sân chơi cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật chèo truyền thống; trào lưu phục dựng cổ phục Việt mang đến “đời sống mới” cho trang phục cổ truyền; dự án “Trường ca kịch viện” đưa sân khấu và diễn xướng truyền thống đến gần hơn với người trẻ, từ đó lan tỏa sự quan tâm và yêu mến cho nghệ thuật dân tộc… hay các dự án phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân... đều “tựa” vào di sản văn hóa để hình thành.
Đặc biệt, kể từ khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO (năm 2019), với hàng loạt sự kiện, hoạt động nhằm bảo đảm thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến, ngày càng nở rộ những chương trình, dự án, việc làm vì mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý:
Nuôi dưỡng đời sống văn hóa của thành phố
Hà Nội là Thủ đô, là thành phố hòa bình, thành phố sáng tạo, trái tim của cả nước, nuôi dưỡng đời sống văn hóa của thành phố, quốc gia bằng sức sống của di sản cả vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng của Hà Nội là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng và bền vững của công nghiệp văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội dựa trên vốn di sản văn hóa là tất yếu, có cơ sở khoa học, thực tiễn và bền vững.
Hà Nội cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa. Cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Di sản là nền tảng của thành phố sáng tạo
Di sản văn hóa là nền tảng, phần quan trọng và không thể tách rời của nhiều thành phố trên thế giới. Các di sản văn hóa không chỉ là nhân chứng cho lịch sử phát triển, nhân tố tạo nên giá trị và bản sắc của mỗi thành phố, mà còn phản ánh sức sáng tạo của cộng đồng cư dân trong việc tạo dựng cuộc sống và vun đắp các thành tựu văn minh qua nhiều thế hệ.
Sự phát triển của các đô thị hiện nay, bao gồm cả các đô thị di sản đòi hỏi sự phát triển sáng tạo, năng động với sự tham gia của nhiều cộng đồng xã hội, trong đó, việc bảo tồn các di sản văn hóa nên được hiểu trong mối quan hệ biện chứng với tính chất sáng tạo của các đô thị hiện đại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghiệp văn hóa sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Mang hành trang quá khứ tới tương lai
Di sản chính là nguồn lực văn hóa có thể được khơi gợi để tạo ra một hệ sinh thái liên quan trực tiếp đến ký ức, cảm xúc và khát vọng của các cư dân thành phố. Sự sáng tạo của con người trong thành phố không phải chỉ là sự sáng tạo của cái mới, mà còn là cách họ thích ứng, cũng như tạo ra cách tiếp cận mới với cái cũ. Di sản văn hóa do đó có sức mạnh đặc biệt, tạo ra động lực giúp xã hội diễn tiến về phía trước, mang theo hành trang của quá khứ và hướng tới tương lai.
Từ danh hiệu Thành phố Vì hòa bình năm 1999, danh hiệu Thành phố sáng tạo năm 2019, Hà Nội đã trở mình và mang theo những khát vọng mới. Nguồn lực di sản đa dạng và phong phú chính là động lực quý giá để Hà Nội làm nên một thành phố sáng tạo phát triển bền vững.
Miên Hạoghi