“Dạo vườn thơ” của nhà ngoại giao, nhà thơ tài ba Xuân Thủy
Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 25/01/2023
1. Năm 2012, tại một cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thủy, tôi đã viết tham luận “Xuân Thủy - nhà ngoại giao đậm chất văn hóa”. Bài viết mở đầu như sau:
“Ngoại giao nước ta thời đại Hồ Chí Minh, nhất là thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thật sự rạng rỡ bởi những khuôn mặt sáng chói, lớp học trò của Bác Hồ được đào luyện theo tư tưởng và phong cách ngoại giao của Người. Xuân Thủy là một trong những gương mặt ấy.
Khi được cử làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam, Xuân Thủy được biết đến không chỉ là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo chính trị uyên bác, mà còn là một nhà thơ, nhà báo, nhà văn hóa tài ba”.
Minh chứng tôi đưa ra không phải là những luận điểm chính trị đề cập đến tài năng, bản lĩnh và thành công của ông, mà chỉ là một vài mẩu chuyện cụ thể, sống động, bình dị, sâu lắng.
2. Thời kỳ ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã đến đỉnh cao và lừng danh bốn biển. Hình ảnh dân tộc Việt Nam là hình ảnh của một dân tộc dám đánh và dám thắng một đế quốc lớn. Tuy nhiên, do những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, “Cộng sản Bắc Việt” và “Việt Cộng” bị coi là những con người “hiếu chiến”, “lạnh lùng như sắt đá”, chỉ biết lý tưởng mà không có tình cảm. Thế nhưng, ngay từ ngày đầu đặt chân đến Paris vào tháng 5-1968, Xuân Thủy đã tạo nên một cú sốc lớn trong công luận ở thủ đô Paris hoa lệ.
Ông Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Phó trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris kể lại: “Bữa anh Xuân Thủy đến Hội nghị Paris, báo chí quốc tế đăng tin: Ông Bộ trưởng Xuân Thủy cười, và trên các tờ báo lớn, họ đều đăng ảnh “nụ cười của ông Xuân Thủy”. Và, trong quá trình gần 5 năm đàm phán của Hội nghị Paris, ông Xuân Thủy vẫn đủng đỉnh, tủm tỉm cười thế này thế khác. Nhưng hôm nào ông Xuân Thủy không cười thì báo đăng ngay: “Hôm nay, ông Xuân Thủy đến Hội nghị không cười”.
Ông Vỹ bình luận thêm: “Quả thật Xuân Thủy có cái tài cười, giỏi cười, cười đẹp, có duyên! Không phải là cười “ngoại giao”, gượng gạo mà cười tự nhiên, ung dung, đứng đắn, có ý nghĩa sâu sắc bên trong, cái cười ẩn chứa nhiều điều mà lời nói không thể diễn tả hết được! Nụ cười của Xuân Thủy gắn với gương mặt anh, gắn với toàn bộ con người anh, nụ cười đã gây ấn tượng rất sâu, làm cho nhiều người mới tiếp xúc lần đầu có cảm tình ngay, thấy đó là một con người chân thành, trung thực, trung hậu, dễ gần, dễ mến, không làm cho người ta e ngại mà lôi cuốn người ta, làm cho người ta cảm tình, tin tưởng. Chỉ cái cười ấy thôi đã thuyết phục mọi người, trước tiên là các báo thuộc mọi xu hướng ở thủ đô Paris hoa lệ nổi tiếng là hiếu khách nhưng không phải là không kén khách! Nụ cười đó thật ra không phải là của cá nhân Xuân Thủy, mà là nụ cười của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam, khiến cho người dân Paris khó tính nhưng rất có tình người, tự đặt câu hỏi cho mình: “Phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ vì chiến tranh, làm sao người Việt Nam còn cười được?”.
3. Nói đến Xuân Thủy, không thể không nhắc đến tài năng thơ của ông.
Tháng 11-1968, sau khi Hội nghị Paris kết thức giai đoạn 1 (giai đoạn đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Hoa Kỳ chấp nhận chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc), trong bài thơ “Vui còn vui nữa”, Xuân Thủy có mấy câu tâm huyết:
“Tôi tự Pa-ri nói vọng về
Nỗi mừng khôn xiết kể, say mê
Ai hôn thân thiết, hôn ai nhỉ?
Hôn khắp năm châu, khắp bạn bè!
Trường xuân âu yếm giải sông Xen
Như ghé bên tai giọng đã quen
Giữa buổi thu sang xuân lại tới
Anh ơi! hiểu nhé, tấm lòng em
Em biết anh đi mới nửa đường
Nửa đường còn lại lắm phong sương
Nhưng em đã chắc ngày sum họp
Nắng ấm trời Nam tỏa bốn phương!”
Từ Hà Nội, nhà thơ Sóng Hồng (tức Trường Chinh) có mấy câu tặng Xuân Thủy như sau:
“Mỗi tuần một trận đấu gay go
Sáu tháng chưa xong một ván cờ
Giữ vững phương châm giành thắng lợi
Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ!”.
Chao ôi! “Vườn thơ” của Xuân Thủy đầy hương sắc, đẹp và thơm biết mấy! “Vườn thơ” ấy, không phải đến Hội nghị Paris mới nở rộ, mà đã “đơm hoa, kết trái” từ những ngày ông còn bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, như nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội):
“Đế quốc tù ta ta chẳng tù
Ta còn bộ óc, ta không lo
Giam người, khóa cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do
Có lúc ngươi toan đánh bể đầu
Đầu ta không bể sống càng lâu
Sống lâu ta nghĩ trăm nghìn kế
Nghĩ kế đưa ngươi xuống vực sâu...”
(“Không giam được trí óc” - 1938)
Hay nhà tù Sơn La:
“Tường vây canh gác bốn bề
Mà xuân vẫn cứ đi về với xuân
Non cao, trời đục, mây vần
Mà trong ngục vẫn trắng ngần hoa mai”
(“Xuân trong tù”, năm 1943)
Chủ nghĩa lạc quan cách mạng của Xuân Thủy còn thể hiện trong những lời thơ châm biếm kẻ địch, nhẹ nhàng về hình thức nhưng sắc sảo về nội dung, bóc trần cả cái xấu xa, tàn bạo của chúng:
“Đời ta nghĩ cũng lạ đời
Làm chi hôm sớm có người chăm lo
Mùa đông sẵn có hỏa lò
Mùa hè nhà đá tha hồ nghỉ ngơi
Đi đâu có Pháp đi bồi
Ở đâu có lính gác ngoài mái hiên
Mặc thì Nhà nước ban khen
Áo quần nền trắng hoa đen lạ kỳ
Ăn thì chẳng thiếu thức chi
Gân bò, mắm ớt, lại khi mề gà(1)
Chơi thì nức tiếng gần xa
Tàu bay, tàu thủy lại pha tàu ngầm”(2)
(“Trong nhà tù” - 1939)
Năm 1941, các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La đã ra tờ báo Suối reo, do Xuân Thủy làm chủ bút, lưu hành trong nội bộ, vừa để tố cáo tội ác giặc, vừa đề cao khí tiết và niềm tin của người cách mạng, với những vần thơ lạc quan (của Xuân Thủy) như sau:
“Thu sang hoa cỏ già rồi
Suối reo lên để cho đời trẻ trung
Thu sang non nước lạnh lùng
Suối reo lên để cho lòng ta reo”
(“Đề báo Suối reo” - 1941)
“Đảng ta từ thuở ra đời
Bao phen máu đỏ vẫn ngời lòng son
Sơn La những núi cùng non
Dù cho đá lở vẫn còn suối reo
Hôm nay rừng nặng sương chiều
Ngày mai nắng sớm lưng đèo nở hoa”
(“Ngày mai” - 1942)
Năm 1944, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, ngay bên bờ sông Hồng, Xuân Thủy viết “Bài ca Việt Minh” tràn đầy hào khí Thăng Long:
“Đồng bào hỡi! Thời cơ đã đến!
Tiến lên mau! Hãy tiến lên mau!
Diệt thù phía trước phía sau
Tan thây Nhật - Pháp, nát đầu Việt gian
Dưới cờ đỏ sao vàng năm cánh
Hỡi đồng bào sát cánh chen vai!
Việt Nam riêng một góc trời
Xây nền độc lập, xây đời tự do!”
Cách mạng như một dòng thác lớn tuôn trào. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếp theo là nước nhà hoàn toàn độc lập, tự do, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hòa vào dòng chảy lớn đó, “vườn thơ” ngát hương của Xuân Thủy càng ngát hương hơn.
Ngày 2-9-1982, như có một linh tính, Xuân Thủy đã viết bài thơ tự sự “Mình cười với mình”:
“Tù ngục ba lần không chịu chết
Ba lần không chết nạn ô tô
Bao năm kháng chiến đầy gian khổ
Mà vẫn hiên ngang sống đến giờ
Bảy mươi nào có ai ngờ
Thở lên thở xuống câu thơ vẫn tình
Tình dân, tình Đảng cho minh
Tình chung đất nước ngọt lành thắm tươi...”
“Thở lên thở xuống” là hàm ý nói về cái bệnh hen suyễn đeo đẳng ông từ lâu, ngay cả những ngày đàm phán ở Paris tôi cũng đã chứng kiến.
Trong bài thơ “Mừng thọ 70 tuổi” viết năm 1982, ông tự nhủ:
“Bảy mươi tuổi chẵn chưa già đâu
Dù có đau lưng, có bạc đầu
Non nước hai vai còn gánh khỏe
Vì dân, vì Đảng thọ càng lâu”
Và bài thơ cuối cùng ông viết năm 1983 có tiêu đề “Sông Hương”:
“Sông Hương anh vẫn gọi tên em
Chẳng hỏi tên xưa chẳng gợi phiền
Giặc đến mấy lần em nổi sóng
Hòa bình, em kể lại thêm duyên
Em đẹp hơn xưa, đẹp lạ lùng
Da em phẳng mịn, mắt em trong
Tóc em xanh mướt đôi bờ ấy
Có những con đò đứng lặng trông
Thời thế em ơi đã đổi thay
Đường lên XÃ HỘI vượt thang mây
Ta dạo bên nhau, tay nắm tay”
Hơn nửa thế kỷ đã qua (tính từ năm 1968 đến nay) mà ký ức về nụ cười và những vần thơ lạc quan chiến thắng của nhà ngoại giao, nhà thơ Xuân Thủy vẫn hằn sâu trong tâm khảm tôi, một người từng vinh dự được sát cánh cùng ông trên “mặt trận ngoại giao” trong những năm tháng lịch sử ấy.
---------------
(1) Các hình thức tra tấn của mật thám Pháp: Đánh bằng roi gân bò, đổ mắm ớt vào mũi, trói ghì hai cánh tay ra sau gọi là lộn mề gà.
(2) Tra điện là “đi tàu bay”; bơm nước vào mồm là “đi tàu thủy”; đấm, thụi là “đi tàu ngầm”.