Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Văn hóa - Ngày đăng : 12:40, 27/01/2023
Đại biểu Trung ương tham dự buổi lễ có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga...
Đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông; đại diện các sở, ban, ngành thành phố.
Tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các địa phương kết nghĩa với huyện Mê Linh.
Trước khi phần lễ chính thức bắt đầu, các đại biểu Trung ương và thành phố Hà Nội đã dâng hương, dâng hoa và nghe chúc văn tại khu di tích đền Hai Bà Trưng.
Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng của Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội cùng các đại biểu đã ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Sử cũ đã ghi, vào tháng 3 năm 40 (sau Công nguyên), hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái lạc tướng Mê Linh, trước cảnh nước mất nhà tan, căm thù quân giặc tàn bạo, đã phất cờ khởi nghĩa. Lời thề “Đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng Trắc - Trưng Nhị trên dòng sông Hát đã vang vọng núi sông với hàng vạn dân chúng, tướng lĩnh, nghĩa quân cùng Hai Bà Trưng ào ào xuất trận với khí thế dũng mãnh. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, ngọn cờ chính nghĩa đã tung bay chiến thắng. Nền độc lập được khôi phục, chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương bắc lần thứ nhất (dài 246 năm).
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng là kết tinh của một quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Việt cổ, làm chấn động cả cõi Nam. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã khắc dấu son đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Dấu ấn này làm vẻ vang, rạng rỡ non song đất nước, tạo dựng truyền thống quý báu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” - niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.
Đây cũng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc.
Trình bày diễn văn tại buổi lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, để tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ; hằng năm, vào ngày mùng 6 tháng Giêng, ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mê Linh tổ chức tế lễ để tỏ lòng tri ân và tôn kính đối với Hai Bà Trưng cùng lục bộ chư tướng của Hai Bà, cầu mong Hai Bà phù hộ độ trì cho Quốc thái dân an.
Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, năm 2013, đền Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Lễ hội đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2021, đền Hai Bà Trưng được công nhận điểm đến du lịch quốc gia đặc biệt.
Ôn lại truyền thống yêu nước và tinh thần quật khởi của hai vị nữ anh hùng dân tộc, chúng ta càng thấy được trách nhiệm lớn lao của các thế hệ con cháu Hai Bà Trưng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay; góp phần tích cực xây dựng quê hương Hai Bà Trưng, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, ngày càng văn minh, hiện đại.
“Với ý nghĩa to lớn đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023”, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tới các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Theo Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuy chỉ đem lại nền độc lập cho đất nước ta trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã để lại cho dân tộc ta một di sản tinh thần vô giá. Đó là chân lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đứng lên kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình, thì không lực lượng gì thắng được. Đó cũng là bài học “dân là gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần làm chủ của nhân dân nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết thống nhất, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân đối với Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân cũng mong muốn và tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, quật cường của Hai Bà Trưng, chung sức đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện, sớm trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.