Danh thơm muôn thuở
Xã hội - Ngày đăng : 08:09, 26/09/2005
Sản xuất hàng may mặc tại xí nghiệp may Vạn Bảo (Cổ Nhuế) Ảnh: VT
Xã Cổ Nhuế ngày nay gồm 3 xã - xưa là Cổ Nhuế Hoàng, Cổ Nhuế Trù Đống và Cổ Nhuế Viên. Theo bản thần tích còn lưu lại ở địa phương thì thời kỳ đầu những người vùng Thanh - Nghệ, theo vua Lý ra Đại La xây thành đắp lũy, cung điện, đền thờ, miếu mạo, họ không trở về quê hương mà đến vùng đầm lầy sông nước này dựng chòm noi, lập nghiệp. Sau đó vì có công giúp Hoàng Vương Đông Chinh Vương dẹp giặc Tống ở Châu Văn (nay là Lạng Sơn) nên vua Lý xuống chiếu lập làng Cổ Nhuế, gồm các thôn Hoàng, Trù, Đống, phong Đông Chinh vương làm thần hoàng làng, cấp cho đất để sinh sống và thờ cúng.
Lòng trung tín của người dân Kẻ Noi lưu danh qua câu chuyện được ghi lại trong thần phả: Khi đoàn quân của Hoàng Vương đi dẹp giặc qua làng, dân làng nghênh đón, xã dân trăm họ còn kịp làm các thứ bánh trái đặc sản của địa phương để dâng lên Hoàng Vương, xin ngài nhận cho quân sĩ cùng được ăn ấm dạ khi ra trận tiền, giết giặc. Thứ bánh đó gọi là bánh “ độ nước lâm trận”. Sau này trước khi mất, Hoàng Vương dặn lại người chị là công chúa Tả Minh Hiến: Dân làng Cổ Nhuế trung thành và có nghĩa cử cao đẹp, mà vẫn nghèo không có tiền để làm nơi đình làng, hương hỏa thờ cúng lâu đời. Đất tốt đã tìm được mà tiền bạc có đâu. Làm ngôi miếu đường tốn phí quá nhiều, dân làng Cổ Nhuế quá nghèo, nay tối, mai qua bao giờ làm được. Bà Minh Hiến nghe xong trả lời: Nếu đúng thế, xin nguyện chu cấp tiền cho dân lập miếu có gì phải ngại. Bà cấp tiền cho dân làng làm đình. Làng thờ Đông Chinh Vương và xin được phối thờ công chúa Tả Minh Vương. Nhiều đời nay, trong lễ tiệc thờ thần hoàng làng hàng năm vào ngày 10-2 âm lịch nhân dân vẫn làm thứ bánh mà quân tướng nhà Lý thường ăn lót dạ để ra trận đánh giặc Tống như năm nào chứ không thịt lợn, mổ bò như các lễ hội khác.
Đến thời nhà Trần, con gái thứ 4 của vua Trần Thánh Tông (1240 - 1290) là công chúa Túc Trinh đã thân về làng Kẻ Noi để chiêu tập phương dân và san bộ ở 3 làng cũ, cấp cho tiền vốn, mua trâu bò, nông cụ, lương ăn để khaikhẩn đất hoang lập điền trang, xóm ấp, lấy khu đất cao làm doanh trại của bà chúa, dân lấy chỗ cao làm nhà, vườn trại. Từ đấy thành một xóm nữa gọi là xóm Vườn, tên chữ là Cổ Nhuế Viên. Công chúa sống với dân, không lấy chồng. Sau đó bà còn chiêu tập dân phiêu tán lập ra trại Noi, sau thành làng Cổ Nội, rồi đổi thành Yên Nội (ngày nay là xã Liên Mạc). Hiện thời dân 2 xã Cổ Nhuế và Liên Mạc cùng thờ bà làm thần hoàng làng và quen tên gọi Bà chúa Kẻ Noi, tượng bà được thờ tại chùa Viên, tên chữ là “Anh Linh tự”. Tương truyền chùa được làm từ khi bà lập trại.
Cổ Nhuế còn có một chùa lớn là “Sùng Quang”, chùa được làm cùng đình làng, gắn liền với công lao của một người phụ nữ khác mà nhân dân rất kính trọng, danh thơm truyền mãi với đời sau, đó là bà Phạm Thị Độ, vợ ông Chánh tổng Chu Mã Lượng và là cháu quan thượng tướng quân tước Cẩm Khế Bá. Đời vua Lê Y Tông (1735-1740), bà được đưa vào phủ làm Nhũ mẫu, nuôi dạy công chúa Trịnh Thị Ngọc Liên con gái chúa Trịnh Giang. Trịnh Thị Ngọc Liên đã xin nhà chúa cấp cho bà 6 mẫu đất, bà đã cung tiến số đất đó để mở chợ Cổ Nhuế ở trước chùa và xây dựng tôn tạo chùa to đẹp hơn. Tấm bia chùa Sùng Quang dựng đời Cảnh Hưng (1740-1786) còn ghi rõ những công tích của bà. Nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ bà và dựng bia sau chùa.
Hậu thế noi gương các bà Kẻ Noi, trong cuộc trường chinh đến hôm nay, Cổ Nhuế đã có những phụ nữ góp nhiều công của cho quê hương đất nước. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, hưởng ứng cuộc vận động mua tín phiếu ủng hộ Việt Minh, bà Văn Thị Ninh đã giảm bớt chi phí cưới cho con lấy tiền mua 1.000 đồng. Gia đình bà còn nhận cung cấp hậu cần, đảm bảo bí mật làm địa điểm họp của Việt Minh khu vực để quán triệt chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trong kháng chiến chống Pháp nhiều phụ nữ Cổ Nhuế đã cùng gia đình dũng cảm nuôi cán bộ như bà Cả Thanh, dù khó khăn đến đâu cũng không từ chối. Trong kháng chiến chống Mỹ, vào năm 1956, bà Văn Thị Sửu là người khởi xướng đề nghị cho chồng con tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội. Bà Chu Thị Loan, vốn quê Thụy Phương, nhưng sinh sống ở Cổ Nhuế, khi nhận được tin con Lê Việt Dũng hy sinh trong trận chiến đấu với không quân Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nội, đã ký đơn và dẫn anh trai Dũng là Lê Việt Hùng đến đơn vị đề nghị cho người anh được thay vào vị trí của người em để tiếp tục chiến đấu. Lá đơn đó còn lưu giữ ở Bảo tàng. Các bà Kẻ Noi, dẫu là công chúa, về với dân thường, hay người gốc Kẻ Noi làm đến chức quan, cũng như những người dân bình thường đều để lại công đức lớn lao trong việc xây dựng làng xã và phát triển văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, đó cũng là chiến công của các bà trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
HNM