Nâng cao hiệu quả hoạt động phố đi bộ Trần Nhân Tông
Văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 01/02/2023
Là người dân sống trên địa bàn phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), chị Lê Thị Hoa cảm thấy hài lòng khi nơi đây có một không gian cảnh quan sạch, đẹp, gắn kết chặt chẽ với Công viên Thống Nhất để thành điểm đến văn hóa cho người dân vào ngày cuối tuần. “Du khách đến với không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận không đơn thuần là tham gia hoạt động trong tuyến phố mà còn được tận hưởng không gian, mặt nước của công viên và tham gia các hoạt động trong công viên”, chị Lê Thị Hoa chia sẻ.
Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận có chiều dài khoảng 1.600m. Trong giai đoạn 1, không gian phố đi bộ hoạt động từ thứ bảy đến chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ, sự kiện theo kế hoạch. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức cho biết, do không gian phố đi bộ nằm trên địa bàn phường nên việc phối hợp với các lực lượng chức năng của quận Hai Bà Trưng để bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự cho người dân đến vui chơi tại đây luôn được phường quan tâm. Thời gian qua, phường luôn tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của không gian phố đi bộ, qua đó chấp hành tốt các quy định của cơ quan chức năng nhằm xây dựng không gian văn hóa nơi đây.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Tiến Quang, lượng khách đến không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận vào mỗi buổi tối cuối tuần khá đông. Chính quyền quận Hai Bà Trưng xác định, để không gian phố đi bộ thu hút được người dân thì cần có một bản sắc riêng, cũng như phải đáp ứng được đồng thời các nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống... của người dân mỗi khi đến đây.
Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận dự kiến được xây dựng thành các phân khu chức năng phù hợp. Khu vực không gian văn hóa tâm linh bao gồm Cụm di tích chùa Quang Hoa - chùa Thiền Quang - chùa Pháp Hoa làm điểm tham quan văn hóa, phát triển du lịch tâm linh. Đây là quần thể di tích quốc gia đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng tại Quyết định số 1821/VH-QĐ ngày 6-11-1989. Khu vực không gian phố đi bộ bao gồm khu vực quảng trường phố Trần Nhân Tông, khu vực đường dạo xung quanh hồ Thiền Quang, khu vực trục chính từ cổng Công viên Thống Nhất đến hồ Bảy Mẫu và đường dạo trong Công viên Thống Nhất. Điều này sẽ phát huy giá trị lá phổi xanh của Thủ đô ở khu vực Công viên Thống Nhất; góp phần tạo điều kiện cải tạo, chỉnh trang Cung thanh niên Hà Nội trên bán đảo hồ Thiền Quang, thu hút và khai thác các hoạt động của thanh niên Thủ đô.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, nhằm tăng cường các hoạt động phục vụ nhân dân và thu hút khách du lịch, tạo nét đặc sắc riêng của không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận, hằng tuần, quận tổ chức các hoạt động nghệ thuật đường phố đặc sắc với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng, phong phú như: Hát chèo, quan họ, chầu văn, xẩm, diễn xướng, biểu diễn xiếc, nhạc kèn, trò chơi dân gian… Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ các nội dung, phương án hoạt động trong không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận giai đoạn 1 để phát huy tiềm lực, lợi thế, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, thời gian tới, quận sẽ tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt dự án chỉnh trang đồng bộ khu vực xung quanh hồ Thiền Quang; triển khai thi công dự án giải phóng mặt bằng, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật, thắng cảnh hồ Thiền Quang và Cụm di tích chùa Quang Hoa - chùa Thiền Quang - chùa Pháp Hoa. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện quy chế quản lý, tổ chức không gian phố đi bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.