Sáng tạo nghệ thuật từ dấu xưa văn hiến
Văn hóa - Ngày đăng : 11:12, 03/02/2023
Được đặt trong Nhà Thái học của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm “Dấu xưa văn hiến” mở ra một không gian hồi tưởng về những giá trị truyền thống của người Việt thông qua kiến trúc, hoa văn, nghệ thuật điêu khắc cổ… từ góc nhìn đầy mới mẻ và sáng tạo của những người nghệ sĩ.
Nơi đây, quy tụ 19 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, được sáng tác theo nhiều phong cách độc đáo, giúp người xem hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa mà thế hệ trước đã gửi gắm lại cho hiện tại và tương lai.
Tiêu biểu như tác phẩm Cổ thư của họa sĩ Vũ Xuân Đông lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ, cho phép người xem tương tác với tác phẩm bằng việc mở ra những hộp đồng và sơn mài. Ở đó, công chúng dễ dàng thấy lại khung cảnh làng quê yên ả, bình dị, cảnh kinh thành tấp nập… hay chuyện học hành, thi cử, ngôi trường quốc học đầu tiên - tiền thân của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện giờ.
Còn tác phẩm “Bóng nước” của tác giả Phạm Hùng Anh được sáng tác theo loại hình khắc gỗ gợi nhớ nét văn hóa khoa bảng xưa với những lều - lọng, kể câu chuyện từ trường thi tới ngày vinh quy bái tổ hay hình ảnh Khuê Văn Các - biểu tượng cho sự hiếu học của đất Thăng Long - Hà Nội.
Trong khi đó, tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu” gồm 88 mảnh ghép hình lục lăng, sắp đặt như một bức tường, hội tụ những di sản văn hóa tiêu biểu của người Việt. Theo Tiến sĩ Lê Thị Thanh (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" tập hợp nhiều họa tiết cổ, được in dập trên giấy dó.
“Những hình tượng, phù điêu không thể in dập, thì được khắc cao su... Tôi cũng sử dụng thêm nhiều kỹ thuật in độc bản và in lưới để nhìn từ xa có thể thấy hình tượng rùa đội bia ẩn hiện, qua đó tôn vinh sự học, truyền thống tôn sư trọng đạo của đất nước”, Tiến sĩ Lê Thị Thanh nói.
Tham quan không gian trưng bày Triển lãm “Dấu xưa văn hiến” những ngày đầu năm mới này, ông Nguyễn Văn Dũng (phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy) bày tỏ sự thích thú trước những sáng tạo nghệ thuật đầy hấp dẫn, đưa đến cho người xem những cảm nhận mới mẻ về di sản văn hóa, những giá trị truyền thống rất gần gũi, quen thuộc.
“Hình ảnh Khuê Văn Các, cổng Văn Miếu, hay cảnh lều chõng đi thi, những hoa văn cổ… được các nghệ sĩ khai thác đưa vào những sáng tạo nghệ thuật vừa giàu chất truyền thống, vừa có tính hiện đại, không chỉ giúp khán giả có góc nhìn đa chiều, sinh động về nghệ thuật hội họa đương đại, mà còn cho thấy tình yêu, trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với truyền thống, bản sắc văn hóa, niềm tự hào của dân tộc”, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Khai thác chất liệu văn hóa truyền thống khi sáng tác nghệ thuật đương đại không phải là điều mới mẻ. Song, thời gian gần đây, khi ý thức về văn hóa dân tộc, giá trị di sản ngày càng được nâng cao, ngày càng có nhiều nghệ sĩ lấy vốn văn hóa cổ truyền là chất liệu, nguồn cảm hứng cho những sáng tác của mình, được cộng đồng đón nhận tích cực.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, đây cũng là một xu hướng mà khu di tích đang hướng tới. Đó là trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, một không gian sáng tạo, nơi bảo tồn, tôn vinh những di sản văn hóa của dân tộc một cách sáng tạo, độc đáo nhất.
“Cùng với nhiều hoạt động văn hóa đã và đang diễn ra tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm “Dấu xưa văn hiến” góp phần mang đến cho khu di tích một sức sống mới, một diện mạo mới. Đây là cách tốt nhất để phát huy giá trị di tích, nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng dành cho nguồn tài nguyên di sản quý giá mà các bậc tiền nhân để lại, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong việc tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho những lớp trầm tích văn hóa của dân tộc”, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.