Công nghiệp văn hóa - tiềm năng từ lễ hội

Công nghiệp văn hóa - Ngày đăng : 06:14, 11/02/2023

(HNM) - Là sản phẩm sáng tạo phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và giúp làm giàu đời sống văn hóa cộng đồng, qua thời gian, lễ hội dân gian trở thành một loại hình di sản quan trọng, không chỉ minh chứng cho bề dày lịch sử, sức sáng tạo của Hà Nội, mà còn khẳng định tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Câu hỏi đặt ra là, làm sao khơi thông các nguồn lực để lễ hội thực sự trở thành một sản phẩm văn hóa ấn tượng trong các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô?

Rước kiệu Bát xã Loa thành tại Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh). Ảnh: Miên Hạo

Triển vọng từ nguồn lực nội sinh

Đã khép lại nhiều ngày qua, song những ấn tượng từ Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) vẫn còn đọng lại trong lòng người thông qua những nghi thức dân gian được tái hiện, như: Lễ rước nước, tế tổ, múa rồng và nhất là màn trình diễn “lễ chữ” đầy độc đáo - một điệu múa cổ ở vùng đất Thăng Long, được cư dân địa phương gìn giữ, lưu truyền qua bao đời. Tại đây, 25 thiếu niên trong trang phục cổ truyền rực rỡ, di chuyển nhịp nhàng theo tiếng trống hiệu của người quản trò, lần lượt xếp thành các từ “thiên hạ thái bình” theo lối Hán tự, tạo thành khung cảnh đầy sinh động và đẹp mắt. Màn chạy chữ kết thúc trong tiếng reo hò không ngớt của đông đảo nhân dân và du khách, gửi gắm vào đó cả niềm tin về một năm mới suôn sẻ, bình an.   

Trước đó, tại Hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn), cư dân 8 làng trong vùng đã lần lượt dâng các kiệu lễ theo đúng nghi thức cổ truyền: Giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng trong sự chờ đón của hàng nghìn khách thập phương về trẩy hội. Sau các nghi thức truyền thống, người dân nô nức vào lễ thánh, xin lộc, trải nghiệm các trò chơi dân gian, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật...; trong đó có nghi thức kéo mỏ lần đầu tiên được tổ chức, thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo người xem. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, cùng với các nghi lễ dân gian, những hoạt động văn hóa mới được đưa vào không gian di sản, nhằm tạo thêm cơ hội giao lưu, trải nghiệm văn hóa vùng, từng bước xây dựng lễ hội thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn và chuyên nghiệp.

Độc đáo không kém là màn rước kiệu Bát xã Loa thành tại Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh); Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống ở làng Thị Cấm (quận Nam Từ Liêm); màn múa “con đĩ đánh bồng” mừng thánh trong Lễ hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì)…, hay lễ rước thánh qua sông tại Lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây).

Là người tham gia trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống ở Hà Nội, ông Lê Văn Hùng (phường Phú Lãm, quận Hà Đông) chia sẻ: “Mỗi lễ hội mang một nét văn hóa riêng gắn với câu chuyện truyền thống của làng, xã. Khi hòa mình vào không khí lễ hội, mọi người có thể cảm nhận được cội nguồn lịch sử, bản sắc văn hóa và tính cố kết cộng đồng thông qua việc người dân chung tay gìn giữ, bảo tồn di sản”.

Trình diễn múa “lễ chữ” tại Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm).

Phát huy tính đặc sắc của lễ hội

Các lễ hội kể trên chỉ là một vài trong hơn 1.200 lễ hội truyền thống đã và đang có mặt trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, góp phần khẳng định bề dày lịch sử, sức sáng tạo dồi dào và đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cư dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Điều đáng nói, dù cùng chung đặc trưng là sáng tạo từ dân gian, song mỗi lễ hội lại hàm chứa những giá trị và bản sắc riêng, thể hiện câu chuyện, thông điệp của cộng đồng mình. Chính những điều này góp phần mang đến tính đa dạng mà độc đáo của lễ hội - tiềm năng, nguồn lực để trở thành một sản phẩm văn hóa hấp dẫn trong ngành công nghiệp văn hóa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giúp thúc đẩy kinh tế, xã hội và quảng bá hình ảnh cộng đồng. Điều kiện tiên quyết cho phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội là cần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, tính hấp dẫn, riêng có của lễ hội. Cùng với đó là cách thức tổ chức, quản lý lễ hội bảo đảm văn minh, tăng niềm tin, thiện cảm với du khách; khai thác các hoạt động văn hóa sáng tạo trên các lĩnh vực liên quan tới lễ hội, từ đó tăng sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách.

Còn theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội. Để phát huy được điều này, các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng; chú trọng tuyên truyền, quảng bá cũng như xây dựng kịch bản cho hoạt động trong lễ hội bài bản, chuyên nghiệp, giàu bản sắc, tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng…, đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa. Về lâu dài, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu xây dựng chiến lược văn hóa dài hạn cho việc phát huy giá trị di tích nói chung, lễ hội nói riêng với các sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng của vùng đất, tạo ra giá trị vật chất và làm giàu đời sống tinh thần cho công chúng, du khách.

“Lễ hội càng độc đáo, càng đặc sắc thì càng hấp dẫn. Chính vì vậy, cần tìm tòi, sáng tạo để bảo vệ và phát huy tính đa dạng, độc đáo, tránh việc “đồng bộ hóa”, làm mất đi nét đặc trưng, riêng có của lễ hội”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nói.

Nguyễn Thanh