Mạnh dạn đến với sân chơi cho người không chuyên
Văn hóa - Ngày đăng : 19:37, 12/02/2023
Trong sự kiện Ngày thơ Việt Nam 2023 vừa qua, một số đông “thi sĩ làng” náo nức “đi hội”. Thơ văn dành cho tất cả những ai yêu nó. Trong bức tranh toàn cảnh về thơ văn nước Việt, sáng tác của những người không chuyên chiếm tỷ lệ khá cao. Và, nhiều người đã trưởng thành trong nghiệp viết sau khi tham gia các “sân chơi chuyên” dành cho người không chuyên.
“Sân chơi chuyên”, là bởi, giữa hằng hà câu lạc bộ, diễn đàn thơ văn “mọc” lên khắp nơi và hoạt động mang tính phong trào, vẫn có những sân chơi được tổ chức một cách bài bản, thu hút sự tham gia của rất nhiều cây viết mới và sự lưu tâm của nhà văn, nhà thơ có uy tín. Quán Chiêu Văn là một ví dụ. Tác giả Đào Phi Cường, đồng quản trị Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn, cho biết: “Thành viên của nhóm Quán Chiêu Văn đa phần là người không chuyên nhưng yêu thích văn chương, đam mê viết lách. Ngay cả anh em quản trị chúng tôi từ khi thành lập nhóm cách đây 5 năm, kiểm duyệt bài viết hằng ngày, mỗi ngày khoảng 200 bài được đăng tải, cũng là làm vì đam mê, chứ không phải chuyên nghiệp, do đó cũng có những sai sót. Chúng tôi mở sân chơi để những ai đam mê văn chương được thể hiện. Hiện nhóm có hơn 43.000 thành viên đến từ nhiều địa phương; độ tuổi, thành phần rất đa dạng”.
Nếu chỉ đơn thuần là một nơi đăng tải các sáng tác mới, hẳn Quán Chiêu Văn không thể thu hút nhiều thành viên tham gia đến thế. Cũng có những người rời nhóm, nhưng số lượng thành viên vẫn tăng lên từng năm, cho thấy sự thành công và uy tín của nhóm. Từ khi ra đời đến nay, Quán Chiêu Văn thường xuyên tổ chức các cuộc thi thơ, thi truyện ngắn, thi viết về gia đình, thi viết với chủ đề “Ký ức chiến tranh”, “Nếu phải sống chung với dịch Covid-19”... Với các admin Quán Chiêu Văn, mỗi cuộc thi dù lớn hay nhỏ, dài hay ngắn đều là các khóa học, Ban giám khảo cuộc thi là những người thầy trong các khóa học ấy. Cuộc thi là cơ hội để các thành viên tham gia được nâng cao hiểu biết, kỹ năng đọc, viết và hiểu biết thêm về các loại hình, thể loại... của văn chương. Theo nhà văn Trịnh Đình Nghi, người sáng lập diễn đàn, có nhiều người viết nhiều, nhưng để nhận diện và định hình được thể loại thì rất lúng túng. Có khoảng 50 - 60% số truyện ngắn đăng trên Quán và cả các truyện dự thi thực ra chỉ là câu chuyện kể, chứ không phải truyện ngắn. Nhiều người chưa rõ thế nào là văn xuôi, cho rằng cứ không phải thơ, không phải báo chí thì là văn xuôi. Thực tế, có những thể loại của văn chương, ranh giới giống và khác nhau lại rất mong manh, dễ nhầm lẫn, chính vì vậy mà Quán luôn tổ chức nhiều cuộc thi.
Điểm mạnh ở các cuộc thi của Quán Chiêu Văn là luôn có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo có chuyên môn cao giúp thẩm định, trao đổi với các thành viên kiến thức về viết lách. Nhóm cũng liên kết với các đơn vị xuất bản để xuất bản các sách chọn lọc, sách của các thành viên. Nhiều tác giả vô cùng vui khi lần đầu tiên được góp mặt trong một trang sách, từ đó thêm tự tin và có động lực để tiếp tục viết. Ngoài ra, nhóm cũng là cây cầu kết nối tác phẩm của các thành viên với các đơn vị báo chí có trang văn học.
Gửi thơ văn đăng báo, theo tác giả Phố Hoa, cũng là cách để các tác giả trẻ khẳng định mình. Tuy nhiên, mỗi tờ báo thường có “gu” riêng, nên cần tìm hiểu để gửi tác phẩm phù hợp. Chị chia sẻ kinh nghiệm, rằng thơ đăng trên facebook là thơ cho mình, cho bạn bè, có thể tếu táo, có thể chỉ là “văn vần”, nhưng thơ gửi đăng báo thì phải theo tiêu chí của từng tờ báo, và khi xuất bản thành sách thì nên lựa chọn những tác phẩm đồng điệu với nhiều người đọc. Điều quan trọng hơn cả với các tác giả trẻ, là họ sống với đam mê và mạnh dạn tìm đến các sân chơi không chuyên để thử sức mình, để học hỏi, giao lưu và kết nối.