Chiếu xẩm Tâm Việt
Giải trí - Ngày đăng : 07:52, 25/08/2022
Trước khi ra mắt chính thức, chiếu xẩm Tâm Việt gồm 18 hội viên, chủ yếu là người khiếm thị đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 với sự giúp đỡ của Chủ nhiệm Mái ấm Đông Đô Trần Bình Minh, hướng dẫn chuyên môn của Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (một trong những truyền nhân của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu). Từ đó đến nay, những người khiếm thị yêu hát xẩm ở Hà thành có không gian giao lưu văn hóa, nghệ thuật vào thứ bảy hằng tuần tại Mái ấm Đông Đô, số nhà 5, ngõ 307 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên); đồng thời biểu diễn phục vụ khán giả vào tối thứ 6 và chủ nhật hằng tuần tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm). Ngoài ra, người khiếm thị yêu hát xẩm còn đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng thông qua nhiều liên hoan văn hóa, nghệ thuật, sự kiện mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm…
Là một người yêu nghệ thuật hát xẩm, từng xem chiếu xẩm Tâm Việt biểu diễn tại đình Kim Ngân, bà Nguyễn Thị Hà, ở phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) cho hay: “Các tiết mục biểu diễn có đầu tư bài bản, kỹ lưỡng về chuyên môn, hấp dẫn người xem”. Ở góc độ này, chiếu xẩm Tâm Việt đi vào hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy và lan truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại.
Đối với người khiếm thị, Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt chính thức ra mắt rộng rãi là dấu mốc quan trọng, ghi nhận sự quay lại của nghề hát xẩm trong đời sống sinh hoạt của người khiếm thị. “Theo lịch sử được truyền lại trong làng Xẩm, thì tổ xẩm là một vị hoàng tử bị khiếm thị. Vì thế, từ lâu, hát xẩm vốn được coi là một nghề, môn nghệ thuật gắn với cuộc sống của người khiếm thị”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt Trần Văn Hoan cho hay.
Sinh hoạt trong câu lạc bộ, nhiều hội viên có điều kiện, cơ hội đánh thức khả năng, tăng cơ hội giao tiếp, hòa nhập. Điển hình là trường hợp hội viên Vũ Minh Tú, đến từ Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, vừa trúng tuyển vào Khoa nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hội viên Vũ Minh Tú chia sẻ: “Thời gian tới, em sẽ vừa tích cực học tập, vừa tham gia biểu diễn tại chiếu xẩm Tâm Việt. Sau đó, em sẽ mang kiến thức, tình yêu nghệ thuật truyền lại cho các bạn trẻ khác”.
Tương tự, hội viên Nguyễn Thảo Xuân, hiện là viên năm thứ 3 ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Trường Đại học RMIT bộc bạch: “Càng tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, em càng say mê với loại hình nghệ thuật này. Nếu chú tâm, việc học hát xẩm không quá khó, nên nhiều người trẻ có thể theo học. Mừng hơn, quá trình tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ giúp em năng động, tự tin khi tiếp xúc với cộng đồng, xã hội”.
Với mong muốn đưa câu lạc bộ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện các thành viên say sưa tập luyện để chuẩn bị tham gia Liên hoan hát xẩm toàn quốc năm 2022, dự kiến diễn ra tại tỉnh Ninh Bình vào tháng 9 tới. Cùng với đó, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo hát xẩm kế cận, trước mắt tập trung cho lớp học đàn.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của chiếu xẩm Tâm Việt còn không ít khó khăn. Vì hát xẩm là nghệ thuật kén khán giả, thính giả, nên muốn có “đất diễn”, yếu tố nghệ thuật và chuyên nghiệp phải được đề cao. Trong khi đó, hiện nay, chiếu xẩm mới có 7 thành viên đủ khả năng biểu diễn, số còn lại tiếp tục học tập để trau dồi chuyên môn. Điều đáng quan tâm hơn, từ việc đi lại, cho đến khâu tổ chức, dựng sân khấu để nghệ sĩ hát xẩm khiếm thị biểu diễn đều cần có sự hỗ trợ của những người bình thường. Nếu thiếu trợ giúp, những người khiếm thị không thể đi biểu diễn ở nơi xa…
Để chiếu xẩm Tâm Việt đến gần hơn với công chúng, ông Trần Văn Hoan mong muốn các tổ chức, cá nhân tiếp tục đồng hành với nghệ sĩ khiếm thị trong nhiều hoạt động. Đó cũng là giải pháp bồi đắp tình yêu nghệ thuật truyền thống cho cộng đồng; đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khiếm thị. Về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cho biết, các cấp hội người mù luôn đồng hành với chiếu xẩm Tâm Việt, tạo điều kiện tốt nhất cho các hội viên khiếm thị tham gia sinh hoạt, biểu diễn. Ở góc độ chuyên môn, Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh vẫn song hành với Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt trong chặng đường phía trước.