Những điều dễ thấy mà khó làm
Văn hóa - Ngày đăng : 09:39, 18/09/2005
Ngay khi hội diễn chưa khai cuộc, Cục nghệ thuật biểu diễn trong dịp họp báo đã nhận định: Nội dung và tư tưởng chủ đề cũng như các biện pháp nghệ thuật đều cho thấy các đơn vị tham gia đã thể hiện quan điểm rõ ràng và vững vàng khi xây dựng tiết mục... song cũng bộc lộ những hạn chế, thí dụ như có quá ít tác giả cũng như đạo diễn và trang trí cho sân khấu Chèo, dẫn đến tình trạng có tác giả tham gia đến 7 vở hay họa sĩ tham gia tới 9 vở... Lại thêm khi bốc thăm thứ tự trình diễn, các vở diễn của tác giả Trần Đình Ngôn hầu hết rơi vào đợt đầu tiên. Ngoài vở diễn khai mạc Những vần thơ thép (Nhà hát Chèo Việt Nam) tiếp liền theo đó một mạch là những Nam dược thánh nhân (Đoàn Chèo Hải Dương) Phò mã áo chàm (Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên) Người tạo dựng ngai vàng (Đoàn Chèo Hải Phòng) Thần đồng đất Việt (Đoàn Chèo Nam Định) không khỏi gây cảm nhận bị lặp lại ở cấu tứ, cấu trúc kịch bản, thậm chí cả ở khâu đạo diễn và trang trí mỹ thuật cho vở, khi cũng vẫn đó những tên tuổi của Bùi Đắc Sừ, Bùi Huy Hiếu. Dù là những nghệ sĩ đầy tài năng, có nhiều kinh nghiệm và đầy tâm huyết nhưng khó có thể nói họ mang lại cho hội diễn sự đa dạng cần thiết vì thật chẳng dễ bắt được tư duy nghệ thuật của mỗi người khác biệt hẳn khi làm cho vở này có phong cách khác hẳn vở kia. Cảm nhận sau chuỗi vở diễn của cùng tác giả này dường như đem lại thuận lợi hơn cho đêm diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội. Đêm diễn của Nhà hát đã tạo được ấn tượng tốt cho cả người làm nghề lẫn khán giả. Thái úy Lý Thường Kiệt với cách dàn dựng nghiêm túc, hoành tráng, phục trang đẹp và cách diễn khá chuyên nghiệp của dàn diễn viên nhiều ngôi sao đã làm rộ lên những tràng pháo tay nơi khán phòng.
Những định hướng đúng đắn của các nhà quản lý nghệ thuật khi hướng Chèo đến với đề tài lịch sử và hiện đại là những chuyển biến đáng kể trong đánh giá về sân khấu kịch hát. Có tới 12 vở về đề tài lịch sử ca ngợi danh nhân, anh hùng dân tộc. Đứng trên khía cạnh khai thác đề tài, những chi tiết cá nhân đã làm nên những vở diễn khá, giới thiệu được về địa phương, về một giai đoạn lịch sử dân tộc thật đáng trân trọng, phù hợp với đặc trưng của kịch hát. Nhưng chúng ta lại quá thiếu một đội ngũ tác giả chèo chuyên nghiệp nên không khó khăn gì chỉ ra sự lặp lại của các vở diễn. Đâu đó, chiếu Chèo vốn dịu nhẹ, vốn đầy màu sắc dân dã, hài hước đã bị phá vỡ khi không ít người kêu: có quá nhiều vua quan, võ tướng, có quá nhiều thét gào trên sân khấu.
Các vở diễn đi vào đề tài hiện đại nhìn chung còn yếu. Yếu từ khâu kịch bản đến diễn viên. Chủ trương xã hội hóa sân khấu, việc chiếu chèo không còn đủ hấp lực thu hút khán giả, đoàn chèo đã bị thành đội chèo, rồi việc diễn viên không còn tự tin, không còn niềm đam mê bốc lửa của người nghệ sĩ đã biến nhiều vở diễn thành nghiệp dư.
Qua đợt tổng ra quân lần này, những người có trách nhiệm đều đã tìm ra tử huyệt của nghệ thuật chèo với sự đứt gãy trong thế hệ tác giả. Những tên tuổi của làng chèo như Hoài Giao, Trần Đình Ngôn... đều đã ngoại lục tuần mà thế hệ kế tiếp dường như chưa đủ mạnh. Một Lương Tử Đức, một Trần Đình Văn... chưa hoàn toàn ổn định trong tâm thế nghề nghiệp và sự đào tạo của chúng ta vẫn không có gì có thể bảo đảm dăm bảy năm nữa sẽ có một thế hệ kế cận, mà viết chèo thật khó lắm thay ! Quan điểm về mỹ thuật cho nghệ thuật chèo cũng cần có cuộc thảo luận lại khi mà đa phần những tác phẩm ở hội diễn rơi vào cách làm tả thực, phông cảnh na ná nhau, diễm lệ hóa sân khấu chèo... Còn quá nhiều việc phải làm để khẳng định được thế đứng cho nghệ thuật chèo hôm nay trong lòng khán giả.
HNM