Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu: ''Tôi luôn viết về những điều tích cực''
Giải trí - Ngày đăng : 05:20, 28/08/2022
1. Biết nhạc sĩ An Hiếu nhiều năm, dường như tôi thấy anh chẳng khi nào từ chối bất cứ cuộc phỏng vấn nào của cánh nhà báo. Với kiến thức sâu cùng sự thân thiện, cởi mở, gần gũi, anh luôn là “chỗ dựa” để chúng tôi “làm phiền” trước mỗi sự kiện, vấn đề âm nhạc nào đó. Gần đây, anh tham gia chấm giải khá nhiều.
Anh bộc bạch: “Có lẽ mọi người yêu mến, trao trọng trách cho tôi bởi vì tôi luôn công tâm trong công việc, chấm đúng và đánh giá chuẩn xác. Công việc "cầm cân nảy mực" này rất thú vị bởi qua mỗi cuộc thi tôi đều học hỏi, tìm thấy những điều mới mẻ trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Tất cả những điều đó đã biến thành chất liệu khiến những bài giảng của tôi dành cho sinh viên đầy ắp tính thực tiễn”.
Là con trai của nhạc sĩ An Thuyên (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội), nhạc sĩ An Hiếu thừa nhận mình luôn gặp áp lực. Khi anh bắt đầu đến với công việc sáng tác, nhiều người nghĩ rằng anh khó có thể thành công, đôi khi trong ý kiến đó có cả sự so sánh. Nhưng tất cả những áp lực đó lại trở thành động lực cho anh phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Anh biết rằng để được như cha mình là rất khó, vì thế anh luôn chăm chỉ, cố gắng trau dồi nghề nghiệp và với anh, những thành công dù là nhỏ bé cũng đáng quý, đáng trân trọng. Cũng thật thú vị là dù bố mẹ đều theo nghệ thuật nhưng họ lại một mực động viên người con trai theo nghề khác.
“Lúc học phổ thông trung học, gia đình muốn tôi học ngoại ngữ ở bậc đại học với môn chính là tiếng Anh. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng mình mê âm nhạc dù trước đó không hề bộc lộ năng khiếu hay học bất kỳ loại nhạc cụ nào. Mọi thứ thật khó khăn khi phải tranh luận, giải thích và thậm chí cả “phản kháng ngầm” với bố mẹ nữa, bởi đơn giản gia đình nghĩ rằng đi theo nghệ thuật là vất vả và chỉ có giỏi ngoại ngữ, làm phiên dịch viên hay việc gì đó liên quan đến nước ngoài mới là sự lựa chọn đúng đắn nhất” - nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ.
2. Nhạc sĩ An Hiếu tự nhận mình có duyên với sáng tác dành cho thanh niên, một phần bởi anh theo gương người cha khi 63 tuổi vẫn tham gia sáng tác ca khúc “Hát vang lý tưởng tuổi trẻ”. Bài hát này khiến anh phải suy nghĩ, đặt câu hỏi: Tại sao một người ở tuổi đã nghỉ hưu vẫn có thể sáng tác về thanh niên hay đến thế? Tại sao từng là cán bộ Đoàn lại chưa có sáng tác nào dành cho thanh niên, lớp trẻ? Động lực ấy thôi thúc anh viết và tham gia các cuộc thi.
Thành quả đã được đền đáp sau bao cố gắng, nỗ lực, đó là giải A với ca khúc “Sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong” trong cuộc vận động sáng tác nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam; giải A với ca khúc “Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng” trong cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Anh là tác giả của 2 ca khúc “Vâng lời Bác dạy” và “Làm theo lời Bác” - các bài hát chính thức của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vào các năm 2019, 2021.
Chia sẻ về 2 ca khúc “Vâng lời Bác dạy” và “Làm theo lời Bác”, nhạc sĩ An Hiếu cho biết, yêu cầu của Trung ương Đoàn tưởng rất dễ nhưng lại khó vượt qua: Bài hát phải trẻ trung, sôi động, phù hợp với nhu cầu hoạt động tập thể cũng như nhu cầu thưởng thức của tuổi trẻ. Đặc biệt là bài thứ 2 không được giống ca từ hay giai điệu của bài thứ nhất mặc dù là viết chung một chủ đề. Thế rồi 2 ca khúc này ra đời, vượt qua khuôn khổ của Đại hội để thành những bài hát được đông đảo thanh niên toàn quốc đón nhận.
“Viết về Bác Hồ, đối với bất kỳ nhạc sĩ nào cũng là đề tài khó, bởi đã có quá nhiều bài hát hay, ca từ đẹp ca ngợi Người của các nhạc sĩ thế hệ trước. Do vậy, tôi luôn phải tìm cách thể hiện riêng để tiếp cận với người nghe, nhất là với thanh niên, sinh viên. Tôi hy vọng rằng sau khi nghe bài hát của mình, các bạn trẻ sẽ thấy rõ nét đẹp và ra sức học tập tấm gương đạo đức và lối sống của Bác. Cũng bởi 2 ca khúc này viết cho đối tượng trẻ, năng động nên tôi muốn họ vừa hát, vừa nhảy hoặc cũng có thể biểu diễn đông người trên sân khấu trong các sự kiện chính trị quan trọng” - nhạc sĩ An Hiếu tâm sự.
Nhạc sĩ An Hiếu luôn tâm niệm rằng, âm nhạc, nghệ thuật luôn có tính định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Một ca khúc hay đôi lúc còn có sức kêu gọi, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ đến quần chúng hơn nhiều phương thức tuyên truyền khác. Do vậy, anh luôn ưu tiên viết những điều tích cực, hướng đến mục tiêu tốt đẹp về lối sống, cách nghĩ dành cho giới trẻ bởi họ chính là những người chủ của đất nước trong tương lai. Ngoài năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, họ cần có thêm hành trang là tâm hồn đẹp, biết trân trọng giá trị văn hóa để hoàn thiện bản thân mình.
3. Là một thầy giáo, nhà quản lý, anh bận rộn nhưng chưa khi nào quên sáng tác. “Khi tôi chuẩn bị bài lên lớp là một lần tôi phải tự đọc, tự học để mở mang kiến thức, làm cho bài giảng của mình phong phú, hiệu quả hơn. Tôi có cơ hội tiếp xúc, làm việc nhiều với học viên trẻ tuổi. Chính họ đã truyền cho tôi năng lượng, cách nghĩ và cách làm chỉ có ở tuổi trẻ. Phần nào những tác phẩm của tôi đã thể hiện điều đó, sự “già” trong âm nhạc cũng đến chậm hơn so với người cùng thế hệ. Làm nghề giáo, mỗi năm có 2 tháng nghỉ hè. Đó là khoảng thời gian mà tôi có thể viết lách, đọc sách và đi thực tế sáng tác nhiều nhất trong năm” - anh cho biết.
Hằng ngày, anh giữ thói quen ghi chép lại về những sự kiện nổi bật, những gì diễn ra xung quanh mình và cảm xúc mà mình có được. Anh quan niệm rằng, làm công việc gì cũng cần một chữ tâm. Khi mình đặt hết tâm huyết vào việc mình làm thì mình sẽ được người khác quý trọng, mến yêu và thành công cũng sẽ đến dù sớm hay muộn. Minh chứng là những ca khúc của anh ở các mảng đề tài luôn có đời sống riêng và có sức sống trong lòng công chúng.