''Ánh sáng mùa thu còn sáng chiếu khắp non sông''
Giải trí - Ngày đăng : 06:05, 28/08/2022
Vào dịp 2-9-1960, mừng kỷ niệm lần thứ 15 ngày Quốc khánh, nhạc sĩ Hồ Bắc đã sáng tác ca khúc “Ca ngợi Tổ quốc” với âm hưởng ngợi ca sang trọng, tha thiết: “Hồng Hà, Cửu Long nước hòa chung vào biển Đông/ Ánh sáng mùa thu còn sáng chiếu khắp non sông/ Ta mang bầu máu nóng, tay ta xây cuộc sống/ Việt Nam yêu dấu là đất nước bốn mùa kết hoa”...
Sinh thời, nhạc sĩ Hồ Bắc từng tâm sự: Thấm thía công ơn nhân dân, công ơn Đảng. Không gì sung sướng hơn được ngợi ca, cổ vũ, biểu dương những thành tựu kỳ diệu của nhân dân, của Đảng. Khi viết tác phẩm này, ông mới qua cơn sốt rét, sức khỏe còn yếu nhưng ông tự nhốt mình vào phòng riêng, vật lộn suốt nửa tháng trời. Có lúc vừa viết ông vừa lau nước mắt bởi hình ảnh các chiến sĩ hy sinh, các bà mẹ kháng chiến hiển hiện khiến ông xúc động. Viết xong nốt nhạc cuối cùng, dường như ông lả đi vì kiệt sức.
Tác phẩm được viết bằng hình thức hợp xướng, phong cách chính ca, hòa âm nhiều bè, trang trọng: “Từ một mùa thu năm xưa đứng lên phất cao cờ bay/ Xưa nghèo tăm tối, nay đổi mới/ Ánh sao rực chiếu/ Mái tranh ấm no từ lâu nhớ công ơn Đảng muôn đời”. Với ngôn ngữ âm nhạc độc đáo, nội dung khái quát cao, hình thức thể hiện trang trọng, ca khúc luôn được các dàn hợp xướng trong và ngoài nước trình diễn vào dịp kỷ niệm Quốc khánh hoặc các sự kiện quan trọng của đất nước. Không ít người Việt ở nước ngoài tâm sự: Mỗi khi nghe hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” luôn thấy nghẹn lòng, trào dâng niềm kiêu hãnh, tự hào là người con đất Việt và càng thêm yêu quý Tổ quốc mình.
Nhạc sĩ Hồ Bắc (1930 - 2021) quê ở huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, làm công tác tuyên truyền rồi gia nhập quân đội. Từ năm 1956, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật cho cụm tác phẩm “Làng tôi”, “Giữ mãi tuổi xuân”, “Ca ngợi Tổ quốc”, “Sài Gòn quật khởi”, “Bến cảng quê hương tôi”.