Để trẻ an toàn trong chính tổ ấm của mình
Trong khi xã hội ngày càng đề cao quyền trẻ em, những vụ xâm hại tình dục vẫn liên tục xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đáng lo ngại, phần lớn thủ phạm lại chính là người thân - những người lẽ ra phải che chở, bảo vệ các em. Khi tổ ấm không còn an toàn, pháp luật và xã hội phải chung tay hành động quyết liệt, bảo vệ thế hệ tương lai khỏi những tổn thương không đáng có.

Khi thủ phạm chính là người thân
Cuối tháng 6-2025, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận điều trị bé gái 3 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng vùng kín. Sau khi hội chẩn khẩn cấp, các chuyên gia xác định, bé đã bị xâm hại tình dục và phải phẫu thuật ngay trong đêm. Nhờ được can thiệp kịp thời và chăm sóc tích cực, sức khỏe của bé đã bước đầu ổn định; nhưng, điều đau lòng hơn cả là thủ phạm gây ra tội ác lại chính là người thân trong gia đình bé. Vụ việc nêu trên không phải cá biệt. Riêng năm 2024 tại Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm 28,8%. Thực tế cho thấy, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bất kể giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh sống. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn thủ phạm là nam giới và đa số các vụ xâm hại xảy ra bởi người quen biết với nạn nhân, như họ hàng, bạn bè của gia đình, hàng xóm, thậm chí là người thân ruột thịt. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là khi bị xâm hại, trẻ thường phải âm thầm chịu đựng nỗi đau tinh thần kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Từ những vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Đặng Hoa Nam cho rằng, chính những người gần gũi, có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em lại là nhóm có nguy cơ cao nhất gây ra hành vi xâm hại. Đây là một đặc điểm của hành vi tội phạm xâm hại trẻ em. Không chỉ ở Việt Nam mà chung trên thế giới, có tới 50-60% số vụ xâm hại trẻ em đến từ người thân, quen. Trong khi đó, quan niệm đạo đức xã hội khiến người ta có tâm lý e ngại lên tiếng.
Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), sự im lặng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em không được phát hiện kịp thời, gây tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân. Nhiều gia đình vừa muốn xử lý nghiêm kẻ phạm tội, vừa mong được yên ổn, tránh bị kỳ thị. Họ ưu tiên giảm thiểu hậu quả hơn là theo đuổi công lý đến cùng.
Cần hành động tổng thể
Xâm hại tình dục trẻ em không còn giới hạn ở đời thực mà đang ngày càng phổ biến trên không gian mạng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, tội phạm có thể dễ dàng tiếp cận trẻ thông qua mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin... Trẻ em dễ bị dụ dỗ quay video nhạy cảm, thậm chí bị kéo vào các hành vi nguy hiểm ngoài đời.
Về vấn đề này, theo ông Đặng Hoa Nam, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, gồm: Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân... Các lực lượng như cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao cũng đang hoạt động tích cực. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là giáo dục và truyền thông. Trẻ em cần được trang bị “vắc xin số” - kỹ năng an toàn mạng ngay từ độ tuổi mầm non, giúp các em biết từ chối người lạ trên mạng, tránh nội dung độc hại và trở thành “công dân số” an toàn.
Bên cạnh đó, để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em một cách tổng thể, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, đầu tiên là phải bắt đầu từ gia đình. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ cần trở thành nền tảng phổ cập trong mỗi gia đình. Không chỉ trẻ em gái hay trẻ đến tuổi dậy thì, mà mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là trẻ nhỏ. Do đó, trách nhiệm bảo vệ trẻ em không chỉ thuộc về chính quyền, cơ quan chức năng mà còn cần sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và cộng đồng.
Tuy nhiên, một điểm yếu hiện nay là thiếu lực lượng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Đây là đội ngũ quan trọng có thể đến từng khu dân cư, gặp gỡ trẻ em và phụ huynh, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh, phối hợp xử lý khi có vụ việc xảy ra. Để xây dựng lực lượng này, theo các chuyên gia, cần có hệ thống pháp luật nghề nghiệp và chính sách đãi ngộ phù hợp, vì đây là công việc đầy áp lực và rủi ro. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại trẻ em. Việc này không chỉ nhằm trừng phạt cá nhân vi phạm, mà còn góp phần xây dựng niềm tin cho cộng đồng và tạo ra môi trường an toàn hơn cho trẻ.
Còn nhà trường và giáo viên cần tăng cường giáo dục học sinh kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống xâm hại cả ngoài đời thực và trên mạng. Chỉ khi có sự chung tay đồng lòng từ nhiều phía, công tác bảo vệ trẻ em mới thực sự đạt hiệu quả, góp phần xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho thế hệ tương lai.