Thế giới

Khủng hoảng chính trị tại Sudan:Bước vào giai đoạn nguy hiểm mới

Quỳnh Dương (Theo UN, AA) 28/07/2025 - 08:25

Cuộc khủng hoảng kéo dài tại Sudan bước vào giai đoạn nguy hiểm khi Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) chính thức công bố thành lập một chính phủ song song tại El Fasher (Bắc Darfur), phủ nhận tính hợp pháp của chính quyền do Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) kiểm soát. Động thái này không chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ mà còn đẩy đất nước Bắc Phi rộng lớn này đến nguy cơ tan rã hoàn toàn.

su-dan.jpg
Dân thường Sudan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ảnh: UN

Ngày 27-7, sau nhiều tháng ngầm chuẩn bị và mở rộng kiểm soát lãnh thổ, RSF đã tổ chức một buổi lễ công bố chính phủ mới tại El Fasher, thủ phủ Bắc Darfur - một điểm nóng giao tranh ác liệt gần đây. Lực lượng này tuyên bố đây là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho nhân dân Sudan.

Thời điểm hiện tại, RSF kiểm soát phần lớn thủ đô Khartoum, bị tàn phá nặng nề sau các cuộc giao tranh với SAF, cũng như khu vực Darfur rộng lớn và nhiều vùng lãnh thổ quan trọng ở Kordofan. Việc thành lập chính phủ là bước hiện thực hóa tham vọng kiểm soát hành chính trên thực tế tại những vùng chiếm đóng.

Chính phủ song song này do chính trị gia dân sự Mohamed Hassan al-Taishi làm Thủ tướng. Cơ cấu thống đốc các vùng bao gồm các lãnh đạo bộ lạc, cựu quan chức và đại diện các nhóm vũ trang hoạt động trong khu vực do RSF kiểm soát. Lãnh đạo RSF, tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được công bố là người đứng đầu Hội đồng Tổng thống gồm 15 thành viên.

Sự tồn tại của hai chính quyền đối địch, mỗi bên kiểm soát những vùng lãnh thổ riêng biệt và có lực lượng quân sự hùng hậu, làm dấy lên nỗi lo sợ về việc Sudan bị chia cắt thành nhiều mảnh. RSF có thể kiểm soát miền Tây gồm Darfur, Kordofan và Khartoum, trong khi SAF nắm giữ miền Đông và Bắc. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ đất nước bị chia cắt là rất lớn, kéo theo nhiều hệ lụy thảm khốc, làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang khiến 8 triệu người có nguy cơ chết đói, hàng chục triệu người phải di dời. Xung đột chính trị và quân sự leo thang khiến các nỗ lực cứu trợ nhân đạo vốn đã cực kỳ khó khăn nay càng thêm bế tắc.

Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) cho biết, kể từ khi giao tranh giữa SAF và RSF bùng phát vào giữa tháng 4-2023, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng. Nhiều báo cáo cho thấy tình trạng tấn công bừa bãi vào dân thường. Các thế lực bên ngoài đang tiếp tay cho xung đột bằng cách cung cấp vũ khí cho SAF và RSF, khiến Sudan rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Liên hợp quốc đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ người tị nạn Sudan ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các kế hoạch nhân đạo đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng, khi mới nhận được 14,4% trong tổng số kinh phí từ nguồn tài trợ để triển khai các hoạt động.

Theo các nhà phân tích, việc RSF công bố thành phần chính phủ mới sẽ kích động các cuộc giao tranh ngày càng ác liệt hơn với SAF, đặc biệt tại các vùng giáp ranh như El Fasher và các tuyến đường chiến lược. Cả hai bên đều muốn củng cố và mở rộng vùng kiểm soát để hợp pháp hóa yêu sách của mình. Mọi nỗ lực hòa giải quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU), Saudi Arabia… hiện gần như bị đóng băng. SAF không chấp nhận đàm phán với một chính phủ mà họ coi là phiến quân, trong khi RSF tìm cách củng cố vị thế "chính phủ" của mình. Trong bối cảnh cả hai bên đều có nguồn lực tài chính, vũ khí để duy trì chiến tranh, cuộc xung đột khó kết thúc trong thời gian ngắn.

Từng là tướng lĩnh cấp cao của quân đội, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết xung đột tại Darfur, hai ông Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo SAF và Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo RSF đã giữ mối quan hệ thân thiết trong thời gian dài và từng “bắt tay nhau” trong việc lên kế hoạch lật đổ chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir vào tháng 4-2019. Sau đó, cả hai thống nhất lập Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) do ông Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu để điều hành đất nước. Ông Mohamed Hamdan Dagalo được bầu là Phó Chủ tịch TMC. Dù ngoài mặt bắt tay để duy trì quyền lực cho phe quân sự, hứa hẹn tạo điều kiện để Sudan tổ chức tổng tuyển cử trước cuối năm 2023 và khôi phục chính quyền dân sự nhưng trên thực tế, liên minh Dagalo - Burhan ngày càng rạn nứt. Hai ông tranh giành vai trò chủ chốt trong tổ chức bầu cử và vị thế hậu bầu cử. Cuộc xung đột bùng phát ngày 15-4-2023 được coi như “giọt nước tràn ly” trong mối quan hệ “bằng mặt, không bằng lòng”.

Nhìn chung, việc RSF thành lập chính phủ song song đang đẩy Sudan vào một vòng xoáy mới của bạo lực và chia rẽ. Người dân Sudan vô tội tiếp tục phải trả giá đắt trong cuộc tranh giành quyền lực chưa có hồi kết này.