Kinh tế

Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”!

Phan Thế Hải 28/07/2025 08:16

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc cải cách thể chế là khâu đột phá, là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

san-xuat.jpg
Nghị quyết 198/2025/QH15 có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Đỗ Tâm

1. Thể chế gồm luật pháp, cơ chế, chính sách, tổ chức... đóng vai trò điều hành toàn bộ hoạt động của xã hội. Nếu thể chế bất hợp lý, chồng chéo hoặc thiếu minh bạch thì dù có ý chí chính trị tốt, con người dù giỏi cũng không thể phát huy được hiệu quả.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đề cập đến mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “... yêu cầu các cấp, các ngành: (i) Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn; (ii) Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân; (iii) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, chuyển đổi từ mô hình hành chính quản lý sang hành chính phục vụ”.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Khẳng định thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh khâu thực thi pháp luật là “yếu”, chưa khơi thông nguồn lực trong dân.

Trong bài viết “Chống lãng phí” (tháng 10-2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến” và: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Tổng Bí thư cũng đề cập đến hàng ngàn dự án “treo” trị giá hàng triệu tỷ đồng vẫn nằm bất động không sinh lợi, chủ yếu là đất đai. Đây là những nguồn lực rất lớn có thể đưa vào đầu tư phát triển. Cũng do những vướng mắc về pháp lý mà những dự án “treo” ngày càng nhiều thêm, không chỉ “treo” một vài năm mà có cái “treo” đến cả chục năm trời do Nhà nước chưa có cơ chế tháo gỡ.

Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (ngày 8-7), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cũng nêu thông tin đáng chú ý về tình trạng dự án “treo”. Theo đó, hiện có gần 2.880 dự án trên cả nước đang vướng mắc pháp lý, với tổng diện tích đất khoảng 340.000ha, tổng vốn đầu tư lên tới 235 tỷ đô la Mỹ, trong đó nhiều dự án đã bị dừng từ 5 đến 15 năm, gây lãng phí lớn về cả đất đai lẫn nguồn vốn.

Thử hình dung, khi tháo gỡ được những vướng mắc để đưa những dự án “treo” này vào hoạt động, thì theo đó một nguồn lực khổng lồ sẽ được luân chuyển, sinh lợi, tiếp thêm sức mạnh giúp nền kinh tế tăng tốc rất nhiều.

2. Sau mấy chục năm đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những bước phát triển dài, tiệm cận với chuẩn mực của các nước tiên tiến. Đánh giá về hệ thống pháp luật hiện tại, chúng ta vẫn coi là tốt, chỉ có thực thi không tốt. Thực tế đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, “trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: Thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chỉ có thể nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật mới có thể tháo gỡ đúng điểm nghẽn, mới đưa ra được giải pháp chính xác. Và đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ.

Từ những đánh giá xác đáng về tình hình xây dựng thể chế hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra những yêu cầu, chỉ đạo, giải pháp hợp lý và đúng đắn. Cụ thể là phải đổi mới tư duy, phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Luật pháp, đặc biệt là luật kinh tế, phải tạo cơ hội cho sự phát triển, phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực chứ lâu nay luật chỉ thiên về quản lý và kiểm soát”, đồng thời yêu cầu: Dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Chính tư duy “không quản được thì cấm” đã biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như điều kiện kinh doanh, các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất vô lý, không thể thực thi được, hạn chế sức sáng tạo và triệt tiêu cơ hội phát triển.

3. Trong nhiều thập kỷ qua, những cải cách kinh tế ở Việt Nam luôn xuất phát từ thực tiễn ở địa phương nhưng đến nay gần như các địa phương trở nên thụ động, không dám phát triển như trước. Vì vậy, luật cần khuyến khích sự năng động, sáng tạo ở các địa phương vì chính họ hiểu nhu cầu thực tiễn của mình. Trong phân cấp, phân quyền cần xác định vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường. Các nghị quyết luôn nhấn mạnh yêu cầu phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất nhưng trong thực thi thì khác. Nguồn lực đất đai, tài nguyên, vốn, giá cả... vẫn được phân bổ theo mệnh lệnh hành chính hơn là cơ chế thị trường. Đây là một trong những điểm cốt tử phải được tháo gỡ trong tiến trình cải cách ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật; bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp. Quy trình làm luật của chúng ta hiện nay rất cứng nhắc, hình thức, tưởng là tốt. Về hình thức là các bộ quản lý ngành soạn thảo luật nhưng trên thực tế là các vụ chuyên môn soạn thảo. Quy trình làm luật lại khép kín là chính, không lấy ý kiến đầy đủ các bên liên quan, đặc biệt là các đối tượng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Khi người đứng đầu đất nước đã nhìn thẳng vào những khuyết tật của hệ thống, “bắt mạch đúng bệnh” và đưa ra những giải pháp chữa trị quyết liệt, chúng ta có quyền tin rằng, một nền kinh tế không còn bị cản trở bởi những điểm nghẽn bất cập trong thể chế sẽ tạo động lực đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.