Kinh tế

Mở “cao tốc” để kinh tế tư nhân bứt phá

Minh Hoa 28/07/2025 - 06:16

Trong tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, Đảng và Nhà nước ta đã định vị khu vực kinh tế tư nhân với vai trò là một động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng của đất nước.

Hàng loạt cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh đã và đang được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.

san-xuat-1a.jpg
Dây chuyền sản xuất ô tô của THACO AUTO. Ảnh: THACO

Thế và lực mới của kinh tế tư nhân

Tháng 6-2025 ghi dấu sự bứt phá mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên cả nước. Theo thống kê, có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 61,4% so với tháng trước và tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2024, đồng thời, khoảng 14.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) đánh giá, đây là mức tăng kỷ lục, cao gấp hơn hai lần so với bình quân cùng kỳ giai đoạn 2021 - 2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 152.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân mỗi tháng có khoảng 25.500 doanh nghiệp gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường - cho thấy làn sóng khởi nghiệp đang lan rộng trên phạm vi toàn quốc. Không chỉ khu vực doanh nghiệp, khu vực hộ kinh doanh cũng ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Riêng trong tháng 6-2025, cả nước có hơn 124.300 hộ kinh doanh thành lập mới, tăng tới 118,4% so với cùng kỳ năm 2024 và gấp 2,4 lần mức trung bình tháng kể từ tháng 7-2023.

Một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự lớn mạnh và vai trò ngày càng rõ nét của khu vực doanh nghiệp tư nhân là việc nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã gửi thư cho Chính phủ đề nghị được đầu tư công trình đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và con số này chưa dừng lại. Chính phủ đánh giá cao các doanh nghiệp tư nhân vì đây cũng là sự dấn thân của doanh nghiệp với đất nước”.

Trong số đó, một số doanh nghiệp hàng đầu, có thực lực về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm thương trường như Thaco, Hòa Phát, Vinspeed đã tỏ rõ quyết tâm sẵn sàng tham gia đầu tư, xây dựng và vận hành tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Thực tế này không chỉ khẳng định năng lực và tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân mà còn lan tỏa niềm tin, góp phần định vị vai trò ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giao cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ năng lực thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng chiến lược, mà còn tạo điều kiện nâng cao thế và lực cho doanh nghiệp trong nước - đúng với tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

san-xuat-1.jpg
Sản xuất cửa tại Công ty cổ phần Eurowindow, Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Nguyễn Quang

Xác định sứ mệnh và trang sử mới

Sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực này vẫn đối mặt với nhiều lực cản, trong đó có những vướng mắc cố hữu kéo dài qua nhiều năm, như khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, đất đai, công nghệ và vốn.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, rào cản lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp tư nhân chính là những tắc nghẽn về thể chế. Hệ thống pháp luật kinh doanh còn thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch, thậm chí tồn tại mâu thuẫn và chồng chéo, gây trở ngại cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực thiết yếu. Mặt khác, chính sách quản lý vẫn nặng về kiểm soát, chưa thực sự tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững và đột phá.

Ngày 4-5-2025 có thể coi là dấu mốc quan trọng khi Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Với mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động, đóng góp 55 - 58% GDP, Nghị quyết đã mở ra một kỷ nguyên đột phá cho khu vực kinh tế năng động này, đồng thời cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò, đưa kinh tế tư nhân trở thành “động lực quan trọng nhất” và là “lực lượng tiên phong” trong nền kinh tế quốc dân.

Tại nhiều diễn đàn và sự kiện kinh tế gần đây, giới chuyên gia nhận định rằng năm 2025 và giai đoạn tới sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào quyết sách và cách thức điều hành của Chính phủ. Trong đó, việc xóa bỏ tư duy quản lý cứng nhắc, cắt giảm “giấy phép con”, hạn chế thanh - kiểm tra bất hợp lý... được xem là bước chuyển cần thiết, tạo nền tảng cho doanh nghiệp hình thành, vận hành và phát triển trên cơ sở tiến bộ và thực chất.

Theo bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý với tinh thần thấu hiểu, chia sẻ và những biện pháp hỗ trợ thiết thực, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc vì mục tiêu sản xuất - kinh doanh. Các yếu tố như cải cách hành chính, giãn - hoãn - giảm thuế, phí; tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường... tiếp tục là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại, phát triển, tham gia sâu và bền vững hơn vào chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu. Động lực cải cách vẫn đang tiếp tục được duy trì và tăng cường khi Chính phủ chủ động tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của những thị trường xuất khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh. Song song với đó, hàng loạt chính sách về thuế, phí, lãi suất cũng đang được thúc đẩy nhằm giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng tiếp tục được đa dạng hóa thông qua việc ưu tiên tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hoặc đang đàm phán.

Về phía mình, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã ý thức rõ vai trò và trách nhiệm trong tiến trình phát triển đất nước, chủ động dấn thân và huy động nguồn lực đầu tư vào chuyển đổi số, sản xuất xanh - sạch. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn là bước đi thiết yếu hướng tới phát triển bền vững, thông qua ứng dụng công nghệ mới và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quản trị và kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón đầu các làn sóng chuyển dịch dòng vốn và chuỗi sản xuất quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực bán lẻ, logistics, công nghiệp và hạ tầng giao thông.

Theo giới chuyên gia, mẫu số chung cho sự phát triển là mỗi doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực vào các mục tiêu cụ thể như chuyển đổi số, sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ cao - nhằm tạo ra hiệu quả thực chất và bền vững.

Đây là những chuyển biến mang tính chất thời đại, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sẽ quyết định năng lực cạnh tranh cũng như tương lai kinh tế Việt Nam. Đơn cử, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm 4 - 8% chi phí; việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành, rút ngắn thời gian xử lý và tối ưu hóa toàn diện quá trình ra quyết định - điều mà các phương thức truyền thống khó có thể đạt được.

Những nỗ lực và chuyển động này không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8%, mà quan trọng hơn, chính là bước chạy đà để hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng hai chữ số trong những năm tiếp theo. Khát vọng ấy được đặt trên nền tảng vững chắc là sức mạnh và hiệu quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân - lực lượng đang ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế quốc dân.