Âm nhạc về đề tài thương binh - liệt sĩ:Viết tiếp giai điệu tri ân
Dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm người Việt hôm nay.
Trong dòng chảy ký ức và lòng biết ơn, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, tiếp tục ra đời. Bằng cảm xúc chân thành và góc nhìn của thời đại, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đang viết tiếp những giai điệu tri ân thế hệ đi trước, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị lịch sử trong đời sống đương đại.

Thanh âm vang lên từ nhiều thế hệ
Trong những ngày tháng 7 này, nhạc sĩ Lê Thống Nhất giới thiệu tác phẩm “Khúc hát chiều nghĩa trang” phổ thơ Nguyễn Quang Thiều, viết về người mẹ có con hy sinh nơi chiến trường, qua sự thể hiện của Nghệ sĩ ưu tú Tiến Lâm. Bài thơ được sáng tác từ 40 năm trước, khi tác giả là một người lính, được khoác lên giai điệu mới tha thiết và chia sẻ, như lời động viên, tri ân tới những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhận được sự đồng cảm của đông đảo công chúng.
Cũng từ cảm xúc chân thành, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí sáng tác hai ca khúc mới “Tuổi 20 đã thành sóng nước” và “Khúc ca ngày về lại”, tưởng nhớ những người con đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị linh thiêng và hào hùng của dân tộc. Nhạc sĩ Giáng Son cũng đau đáu với đề tài này qua ca khúc “Tìm cha” từ lời thơ của tác giả Phạm Hồng Điệp, do Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thắng Lợi thể hiện. Ca khúc là tiếng lòng của người con dành cho cha sau mấy chục năm đằng đẵng đi tìm hài cốt liệt sĩ của cha.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thương binh - liệt sĩ, ca sĩ Sao Mai Khánh Ly ra mắt MV “Còn mãi với non sông” như lời tri ân của thế hệ hôm nay gửi đến những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ca khúc mang âm hưởng thính phòng, được Nghệ sĩ nhân dân Phạm Phương Thảo phổ nhạc từ thơ Khánh Dương, Phạm Tuấn Anh phối khí. MV được ghi hình tại những địa danh lịch sử ý nghĩa ở Quảng Trị như Thành cổ, bến sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương - Vĩ tuyến 17, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn…
Trước đó, Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng và nhạc sĩ Kiên Ninh cùng thực hiện MV “Thiên hùng ca bất tử” dựa trên bài thơ “Lời người bên sông” của cựu chiến binh Lê Bá Dương - người từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. MV tái hiện tinh thần bất khuất, lòng yêu nước mãnh liệt của các chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh nơi đây, góp phần tạo nên biểu tượng bất tử trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Gần đây, còn có nhiều sáng tác mới về đề tài thương binh - liệt sĩ, như “Hát về Côn Đảo thân yêu” (Trần Thành), “Mai về cùng em” (Đức Chính), “Anh về” (nhạc Ngọc Hòa, thơ Lưu Đức Hải); “Trở về quê hương” (nhạc Văn Cung, thơ Quang Tiến), “Cho mùa xuân thanh bình” (nhạc Nguyễn Đăng Tài, thơ Nguyễn Xuân Cửu), “Mộ gió mộ đá ngàn thu” (nhạc Nguyễn Hữu Minh, thơ Lê Quang Bùi)…
Không chỉ những nghệ sĩ tên tuổi, nhiều người trẻ cũng đã quan tâm, sáng tác về đề tài này. Để lại dấu ấn là MV “Đưa anh về” của ca sĩ, nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh, lấy cảm hứng từ câu chuyện một người em gái đi tìm hài cốt anh trai đã hy sinh. “MV là sự tri ân, cũng là lời chúc cho thân nhân các liệt sĩ sớm đưa được người thân về với đất mẹ”, nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh chia sẻ…
Lan tỏa giai điệu tri ân
Những tấm gương hy sinh anh dũng, những thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thầm lặng… cống hiến để đổi lấy hòa bình hôm nay vẫn luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ tiếp tục sáng tác, biểu diễn. Nhạc sĩ Lê Thống Nhất chia sẻ, tháng 7 luôn là khoảng thời gian thiêng liêng để ông hướng về những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Chính vì thế, đề tài về thương binh - liệt sĩ, về sự mất mát và hy sinh cao cả hiện diện trong nhiều sáng tác của ông. Những ca khúc mới về đề tài này không chỉ để tưởng nhớ, mà còn là cách gợi nhắc, khơi dậy tình yêu nước, ý thức về lịch sử dân tộc trong thế hệ hôm nay.
Nhạc sĩ Hoàng Giai cũng cho rằng, dù đã có nhiều ca khúc kinh điển về người lính, nhưng mỗi thời kỳ lại có một cách thể hiện khác nhau. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ vẫn không ngừng tìm tòi, đổi mới để có những tác phẩm viết tiếp lời tri ân sâu sắc và lay động thế hệ hôm nay và mai sau.
Cảm xúc với đề tài này không chỉ đến từ các nhạc sĩ, mà còn từ những nghệ sĩ biểu diễn. Nghệ sĩ nhân dân Phạm Phương Thảo kể lại cơ duyên cùng nhà thơ Khánh Dương về Quảng Trị, nơi từng là chiến trường ác liệt, để biểu diễn và làm thiện nguyện. Trở về sau chuyến đi đầy xúc động, chị nhận được một bài thơ và đã phổ nhạc ngay, cho ra đời ca khúc “Còn mãi với non sông”. Bản thân Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng từng thực hiện MV “Thiên hùng ca bất tử” tại Quảng Trị nên cảm nhận sâu sắc nỗi xúc động khi nghệ thuật chạm vào chiều sâu lịch sử qua những sáng tác và sản phẩm âm nhạc của các đồng nghiệp.
Là giọng ca gạo cội của dòng nhạc cách mạng, Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ bày tỏ xúc động khi vẫn có nhiều tác phẩm mới về đề tài chiến tranh cách mạng, tri ân những người đã ngã xuống. “Giữa thị trường âm nhạc đa dạng hiện nay, việc các nghệ sĩ trẻ quan tâm đến lịch sử, truyền thống rất đáng quý. Tôi thực sự tự hào khi có nhiều người tiếp nối dòng chảy tri ân”, Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ chia sẻ.
Với một đề tài không dễ tiếp cận, nhất là khi phần lớn tác giả, nghệ sĩ hôm nay chưa từng đi qua chiến tranh, việc lựa chọn sáng tác tri ân các thương binh, liệt sĩ là một hành trình đầy trách nhiệm và tâm huyết. Nhờ đó, những giai điệu tri ân tiếp tục được ngân vang, nối liền hiện tại với quá khứ, làm dịu đi nỗi đau chiến tranh và thắp sáng lên tinh thần yêu nước, lý tưởng sống đẹp trong thế hệ hôm nay và mai sau.