Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025):Xin trả nợ cuộc đời!
Tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" của Thượng tá Nguyễn Văn Á do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản đã đưa tôi quay trở lại một vùng ký ức thời đất nước còn quặn đau trong bom đạn chiến tranh.
Nhưng không chỉ có vậy, đằng sau những trang viết còn có một con người, rất chân thật, đang từng ngày đau đáu trả nợ cuộc đời. Vì anh đã trải qua bao lần suýt chết dưới hòn tên mũi đạn, vì anh đã được cưu mang giữa lòng dân rộng lớn vô cùng, và cũng vì anh thấy mình còn nợ bao bạn bè, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường xưa…
Người chiến binh vào sinh ra tử
Tôi làm việc cùng cơ quan với anh Nguyễn Văn Á khá nhiều năm tại Thời báo Tài chính Việt Nam, nhưng nội tâm con người anh tôi biết rất ít. Chỉ đến khi được đọc sách của anh viết, tôi mới hiểu thêm về anh. Một cậu bé mồ côi mẹ từ năm lên 6 tuổi dựa vào hơi ấm của cha để lớn lên trong vất vả. Một chàng trai 3 lần viết đơn tình nguyện ra mặt trận, dù đã nhận giấy báo đi học ở nước ngoài. Một người chiến sĩ dũng cảm giữa đạn bom khói lửa của chiến trường Quảng Trị. Một người cựu chiến binh đau đáu với việc tìm người thân, đồng đội là liệt sĩ…
Trong con người anh chất chứa bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu ký ức vừa hào hùng, vừa bi tráng không chỉ của cá nhân anh, của một tập thể, mà của cả dân tộc. Anh chắt lọc từ mấy chục năm đời mình để cho ra đứa con tinh thần là tập truyện ký mang tên “Phía Nam sông Bến Hải”.

Cuốn truyện ký dày dặn hơn 400 trang giấy đã đưa tôi về một miền ký ức của quê hương Việt Nam, từ những năm 60, đến những năm đấu tranh ác liệt với Mỹ ngụy để giành chiến thắng thống nhất đất nước, rồi thời kỳ hậu chiến.
Với giọng văn chân chất bình dị, không hề màu mè, khiến người đọc có sự đồng cảm tức thì, anh Nguyễn Văn Á chậm rãi đưa mọi người về với vùng ký ức thân thương ai cũng có, đó là tuổi thơ. Nhưng anh có một tuổi thơ dữ dội khi mẹ mất anh còn quá nhỏ, các anh em phải ly tán. Cảnh nhà “gà trống nuôi con” và hình ảnh người cha cũng được ngòi bút tác giả khắc họa khá sâu. Anh viết về cha: “Một người cha lặng lẽ thắt từng khúc ruột lần lượt tiễn 4 người con ra trận, để đến ngày miền Nam giải phóng đón về 2 đứa con thương binh, 2 đứa con liệt sĩ. Một người cha bao lần lặng lẽ khóc con bên bàn thờ nghi ngút khói hương”…
Cuốn truyện ký cũng đưa người đọc đồng hành cùng tác giả trong những chuyến đi tìm hài cốt của người anh trai là liệt sĩ, thực hiện tâm nguyện của bản thân và cũng là thực hiện cho được lời trăng trối của cha “Phải tìm bằng được mộ anh”, trước khi cha nhắm mắt. Trong tay không còn di vật nào của người anh để lại, nhưng tác giả vẫn mang theo ba lô có bánh chưng cha gói đưa cho, cuốn sổ tay, bi đông nước, đi khắp các nghĩa trang ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để tìm mộ anh mình. Đến đâu anh cũng tìm hiểu rất kỹ và để lại địa chỉ của mình với niềm hy vọng mong manh, để rồi sau 22 năm tìm kiếm, như một phép màu, anh đã đạt được nguyện vọng đưa hài cốt của anh trai về lại quê nhà.
Nghĩa cử đằng sau trang sách
Sau khi đã về hưu, nhà báo Nguyễn Văn Á không nghỉ ngơi mà điều hành một doanh nghiệp truyền thông. Dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho tâm nguyện của mình. Anh ấp ủ ý tưởng xây dựng Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16 súng máy cao xạ 12 ly 7, Trung đoàn 27 (Đại đội của anh Nguyễn Văn Á); xây dựng Khu tưởng niệm và đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 làm ngôi nhà chung để chiêu tập vong linh các liệt sĩ vào thờ phụng, khắc tên lên bia đá trong khu tưởng niệm.
Tâm nguyện của anh được Ban Liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 16 đồng tình ủng hộ, vận động các cựu chiến binh quyên góp. Sau đó, anh Nguyễn Văn Á trực tiếp đến gặp các “Mạnh Thường Quân” vận động tài trợ. Gần 4 tháng trời thi công, Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27 đã hoàn thành vào ngày 18-1-2014 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 16, anh Á tiếp tục kiên trì vận động đóng góp. Ngày 27-7-2018, cụm công trình đền ơn đáp nghĩa gồm Khu tưởng niệm và Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27, Bia chiến tích Khẩu đội 5 đã hoàn thành tại Phương Ngạn, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị.

Khu tưởng niệm 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 thực chất là một nghĩa trang không mộ chí. Tên của 50 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27, 60 liệt sĩ làng Phương Ngạn được khắc lên 16 tấm bia đá, để “trả lại tên” cho các liệt sĩ, vì có tới 1.840 liệt sĩ của Trung đoàn 27 chưa tìm thấy hài cốt. Thân nhân của các liệt sĩ đến nơi đây để tưởng nhớ các anh, dù chỉ thấy một dòng tên của liệt sĩ trên bia đá thôi nhưng cũng thấy ấm lòng hơn. Chính vì cảm nhận được điều này nên anh Nguyễn Văn Á đã quyết tâm làm khu tưởng niệm, và anh đã viết nên tiếng thơ, cũng là tiếng lòng của một người con trong cuộc chiến: “Mẹ đừng buồn bên mộ chẳng dòng tên/Con đừng khóc ngày cha không về nữa/Lá xanh rụng lá vàng chưa kịp úa/Cũng thường tình cha hãy bớt niềm đau…” (Mẹ đừng buồn bên mộ chẳng dòng tên - Nguyễn Văn Á).
Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Á vẫn đang viết tiếp những dòng ký ức của mình như con tằm nhả tơ vì biết ơn cuộc đời này. Song hành với công việc và văn thơ, anh vẫn miệt mài với những việc làm đền ơn đáp nghĩa. Lý do ư? Thì đây, xin đọc ở “Phía Nam sông Bến Hải”, khi anh tự sự: “Chúng ta đừng lãng quên quá khứ! Đừng vô cảm trước thảm họa da cam đeo đẳng đất nước này… Chỉ tiếc rằng lực mình có hạn, chỉ tiếc rằng vòng tay nhỏ bé của tôi và đồng đội tôi không ôm được cả thế gian này, nên chúng tôi còn nợ nhiều ân nghĩa cuộc đời…”.