Xây dựng

Vướng mắc về thủ tục và quỹ đất xây nhà ở xã hội: Cần tiếp tục được tháo gỡ

Hồng Anh 26/07/2025 - 07:03

Hai quý đầu năm 2025, thị trường nhà ở xã hội đón nhiều tín hiệu vui, với hàng loạt dự án khởi công và sắp hoàn thành. Bộ Xây dựng cùng các địa phương đặc biệt quan tâm tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục và quỹ đất đối với loại hình nhà ở này nhằm đạt chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm nay.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp địa ốc, còn một số nút thắt chưa được giải quyết triệt để hoặc phát sinh mới có thể ảnh hưởng đến tiến độ phát triển nhà ở xã hội.

cong-truong.jpg
Thi công dự án nhà ở xã hội NO1 tại Khu đô thị mới Hạ Đình (phường Khương Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Tín hiệu tích cực về tiến độ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ và các địa phương, diễn ra ngày 16-7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, Bộ đã trình thí điểm nhiều chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại 27 địa phương. Tính đến ngày 30-6, toàn quốc đã hoàn thành 35.631/100.000 căn nhà ở xã hội và khởi công 26 dự án mới với tổng quy mô 23.561 căn. Bộ Xây dựng cũng rà soát, tháo gỡ khó khăn cho 136/788 dự án bất động sản và chuyển các trường hợp còn lại sang Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền. Từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức 25 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương.

Còn theo Báo cáo thị trường bất động sản quý II-2025 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc nhà ở xã hội đang có những chuyển biến tích cực. Lũy kế từ năm 2021 đến nay, đã có 117 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, với quy mô 85.275 căn, tăng 28% so với thống kê hồi tháng 3-2025. Cả nước hiện có 159 dự án đã khởi công xây dựng, với tổng quy mô 135.563 căn và 419 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô lên tới 419.013 căn hộ.

Tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành 4.670 căn nhà ở xã hội trong năm 2025. Với tiến độ triển khai hiện tại, thành phố Hà Nội dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành 6 dự án nhà ở xã hội, cung cấp 4.730 căn trên tổng số 4.670 căn được Thủ tướng Chính phủ giao, vượt chỉ tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhận định, từ đầu năm 2025 đến nay, số lượng dự án nhà ở xã hội đã tăng lên đáng kể, bước đầu đáp ứng nhu cầu lớn về chỗ ở cho người có thu nhập thấp. Việc nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng sẽ góp phần kéo giảm mức giá chung cư vốn đang ở ngưỡng rất cao.

Còn nút thắt cần giải quyết

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Xây dựng, một số kết quả thực hiện liên quan đến nhà ở xã hội còn chậm tiến độ, đặc biệt về thực trạng giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho loại hình nhà ở này. Dù các ngân hàng thương mại cam kết nâng gói tín dụng lên 145.000 tỷ đồng và lãi suất đã được điều chỉnh giảm 4 lần, nhưng đến nay các ngân hàng mới chỉ giải ngân được khoảng 3.400 tỷ đồng do còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để.

Ngày 29-5 vừa qua, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, mang lại kỳ vọng lớn cho thị trường, chủ đầu tư cũng như người dân. Nghị quyết được đánh giá có nhiều quy định đột phá và ngay lập tức tạo tín hiệu tích cực trên thị trường. Ngày 1-7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết này.

Tuy nhiên, việc triển khai nhà ở xã hội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần G-Home Nguyễn Hoàng Nam cho hay, nhiều địa phương rất chậm trễ trong việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Do đó, cần yêu cầu các tỉnh, thành phố khi ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải bố trí 20% quỹ đất tương ứng với tổng quỹ đất ở để làm nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Nam, nhóm đối tượng “thu nhập thấp tại khu vực đô thị” đang gặp rất nhiều khó khăn khi đi xác nhận đối tượng và chứng minh thu nhập. Bởi theo quy định, UBND cấp phường, xã là đơn vị xác nhận nhưng đơn vị này không nắm được thông tin thu nhập của người cư trú nên không dám xác nhận hoặc xác nhận không liên quan đến thu nhập người dân, dẫn đến hồ sơ mua nhà bị Sở Xây dựng loại. Đồng thời khi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, cấp thị trấn không còn, nhiều thị trấn đổi thành cấp xã vì vậy những người thường trú tại thị trấn cũ chuyển thành xã không còn thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội, vì xã không phải là khu vực đô thị.

Nhằm khắc phục những bất cập trên, ông Nguyễn Hoàng Nam đề xuất: “Cần ban hành nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thống nhất việc xác nhận đối tượng và chứng minh thu nhập cho đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, giao trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp phường, xã, bảo đảm quy trình minh bạch, dễ thực hiện...”.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội cũng kiến nghị, cùng với việc thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội, Nhà nước cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, như đường vành đai, đường sắt đô thị, đường cao tốc để mở rộng không gian đô thị, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại, giúp người dân có nhiều lựa chọn nhà ở với giá phù hợp hơn.

Đồng thời, các bộ, ngành cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách để “nắn” dòng tiền vào các phân khúc bất động sản nhà ở phù hợp với nhu cầu của đa số người dân, để ngăn chặn rủi ro tài chính và bảo đảm dòng vốn được phân bổ hiệu quả. Các doanh nghiệp cũng cần tích hợp các yếu tố xã hội vào chiến lược kinh doanh, thể hiện trách nhiệm với xã hội thông qua việc xây dựng các dự án có giá trị bền vững cho cộng đồng không chỉ vì lợi nhuận, như nhà ở xã hội.