Xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai: Cần thêm cơ chế cho chính quyền cơ sở
HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09/2025/NQ-HĐND ngày 29-4-2025 quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố với mức xử phạt được nâng lên, tạo hành lang pháp lý mạnh, rõ ràng, mang tính đột phá.
Để quy định thực sự đi vào cuộc sống, cùng với quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của các xã, phường khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, điều cần thiết hiện nay là bổ sung cơ chế thực thi hiệu quả hơn cho cấp cơ sở.

Siết chặt kỷ cương trong quản lý đất đai
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 09/2025/NQ-HĐND, Sở chủ động tham mưu UBND thành phố nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần so với quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 4-10-2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 71 hành vi vi phạm.
Nghị quyết đã được HĐND thông qua, thực hiện trước cả lộ trình dự kiến, cho thấy tính cấp thiết và tinh thần chủ động cao trong quản lý đất đai. Tăng mức xử phạt là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh giá trị đất đai ngày càng cao, vi phạm diễn biến tinh vi. Xử lý nghiêm minh sẽ góp phần lập lại trật tự, đặc biệt ở những địa bàn giáp ranh, vùng đang chịu áp lực chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 09/2025/NQ-HĐND không chỉ thể hiện quyết tâm siết chặt kỷ cương trong quản lý đất đai của thành phố, mà còn quy định cụ thể 71 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, áp dụng mức xử phạt từ Điều 8 đến Điều 29 của Nghị định số 123/2024/NĐ-CP. Trong đó, nhiều hành vi phổ biến như: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, đất nông nghiệp không đúng quy định; xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chiếm đất công, không đăng ký biến động đất đai… đều được liệt kê chi tiết, kèm theo mức phạt rõ ràng. Một số hành vi vi phạm nghiêm trọng như chiếm đất công, làm biến dạng địa hình, gây suy thoái đất cũng được quy định mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Với hệ thống hành vi vi phạm, điều khoản, địa bàn, đối tượng và mức phạt được lượng hóa cụ thể như vậy, hành lang pháp lý để xử lý vi phạm đất đai ở Hà Nội đã đầy đủ, sẵn sàng đi vào thực tiễn. Ngoài ra, quy trình xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng cũng được rút gọn theo hướng cho phép chính quyền cấp xã chủ động ra quyết định cưỡng chế đối với trường hợp vi phạm rõ ràng, không phải chờ hướng dẫn nhiều cấp. Cơ chế pháp lý cho phép cấp xã xử lý ngay từ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm như san nền trái phép, đổ cọc móng…, qua đó góp phần không để phát sinh các vụ việc vi phạm đất đai phức tạp, kéo dài.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ chính quyền cơ sở
Hành lang pháp lý, chế tài đã có là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Từ ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành tại các địa phương, trong đó, chính quyền cấp xã được giao nhiều thẩm quyền hơn trong công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu lực, rất cần cơ chế hỗ trợ chính quyền cấp cơ sở tương xứng, đủ mạnh, sát thực tiễn...
Theo Trưởng phòng Kinh tế xã Phượng Dực Nguyễn Tiến Đạt, chính quyền cấp xã đang gánh áp lực rất lớn trong giữ gìn kỷ cương sử dụng đất, đặc biệt trong bối cảnh vi phạm có xu hướng diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
“Chúng tôi vừa phải làm công tác hành chính, vừa giám sát địa bàn rộng, dân cư đông, trong khi đó, nhân lực mỏng, cán bộ địa chính kiêm nhiệm nhiều việc. Có những trường hợp vi phạm xảy ra vào ban đêm hoặc ngoài giờ hành chính, xã không có lực lượng trực chuyên trách để kịp thời phát hiện, xử lý”, ông Đạt chia sẻ.
Thực tế, nhiều vụ vi phạm đất đai diễn ra theo "kịch bản" quen thuộc: Tổ chức, cá nhân tự ý san lấp mặt bằng, dựng cột bê tông, đổ mái tôn, lắp container chỉ trong vài giờ đồng hồ, rồi khóa cổng, bất hợp tác khi bị kiểm tra. Do thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu đội phản ứng nhanh và chưa được trang bị công nghệ giám sát từ xa..., nên cán bộ xã thường bị đặt vào thế khó, bị động. Ghi nhận cho thấy, chỉ trong hai tuần đầu tháng 7-2025, các xã, phường trên toàn địa bàn thành phố đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Xá Dương Tuấn Anh, phần lớn vụ việc xảy ra vào buổi tối hoặc cuối tuần, thời điểm không có lực lượng tuần tra. Hơn nữa, quy trình xử lý, đo đạc, xác minh nguồn gốc đất, lập biên bản hiện trường… đều cần thời gian và nhân lực.
Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng ban hành cơ chế đặc thù cho cấp xã trong quản lý đất đai. Trước hết là bổ sung lực lượng chuyên trách tại cấp xã, có thể theo mô hình “Tổ quản lý đất đai và trật tự xây dựng cơ sở” trực 24/7, được trang bị công cụ hỗ trợ như máy ảnh, thiết bị đo đạc, máy tính bảng cập nhật dữ liệu đất đai theo thời gian thực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giám sát, xử lý vi phạm, tích hợp với cơ sở dữ liệu đất đai dùng chung toàn thành phố, từ đó rút ngắn thời gian xác minh hiện trạng sử dụng đất. Đồng thời, các cấp, ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt tại các vùng ven đô - nơi đang đô thị hóa nhanh, áp lực chuyển đổi mục đích sử dụng đất lớn... rất dễ nảy sinh vi phạm nếu chính quyền cơ sở không nắm chắc địa bàn.
Như vậy, cùng với hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện, điều cần thiết lúc này là thành phố nên có cơ chế đồng bộ để hỗ trợ cấp xã, phường. Chỉ khi chính quyền cơ sở được trao đủ thẩm quyền, nhân lực, phương tiện... thì việc ngăn chặn vi phạm đất đai từ sớm, từ xa mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Chủ tịch UBND xã Ứng Thiên Đỗ Năng Bình:
Phát huy vai trò hệ thống chính trị tại cơ sở
Xã Ứng Thiên xác định rõ, muốn quản lý đất hiệu quả không thể chỉ trông chờ vào lực lượng xử lý mà cần huy động sức mạnh tổng hợp từ tuyên truyền, vận động, giám sát ngay từ cơ sở. Ngay từ đầu tháng 7, UBND xã đã tiến hành rà soát, kiểm tra thực địa toàn bộ địa bàn, phân loại vi phạm. Đối với mỗi vụ việc, cán bộ chuyên môn tiến hành quay video, chụp ảnh hiện trạng, đo đạc, xác minh để lập hồ sơ xử lý, đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường quản lý đất đai.
Cách làm của xã Ứng Thiên là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị tại cơ sở. UBND xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã thành lập 4 tổ công tác tuyên truyền. Các tổ này trực tiếp xuống địa bàn, đến từng hộ có dấu hiệu vi phạm để phân tích, vận động người dân tự giác tháo dỡ. Từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, để quản lý đất đai hiệu quả tại cấp xã, không thể thiếu vai trò chủ động của cấp ủy chi bộ, trưởng thôn và Mặt trận Tổ quốc...
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên Nguyễn Văn Chung:
Cần cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp xã trong công tác quản lý đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đất đai đang đặt ra nhiều áp lực cho cán bộ cơ sở.
Hiện nay, lực lượng cán bộ địa chính xã Phú Xuyên phụ trách toàn bộ công tác quản lý đất đai, vừa làm thủ tục hành chính, vừa giám sát địa bàn. Nhiều vi phạm diễn ra vào buổi tối hoặc ngày nghỉ nên chúng tôi rất cần cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, như: Thành lập tổ kiểm tra liên ngành có sự phối hợp giữa các đơn vị; cấp kinh phí để xã thuê đơn vị đo đạc độc lập; bổ sung phần mềm giám sát vi phạm... Thành phố cũng nên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ cấp xã về quy trình xử lý vi phạm, cập nhật văn bản mới...
Trưởng thôn Xuân Đài (xã Ứng Hòa) Mai Thị Hiền:
Phát hiện sớm, giữ kỷ cương từ gốc
Thôn là cấp gần dân, sát địa bàn nhất, vì vậy chúng tôi thường là lực lượng phát hiện đầu tiên vi phạm đất đai. Nếu không có sự theo dõi, nhắc nhở kịp thời, vi phạm sẽ gây khó khăn cho công tác xử lý sau này. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần có tài liệu pháp luật thiết kế riêng cho cấp thôn với nội dung đơn giản, trực quan, dễ hiểu, có thể lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, tổ liên gia. Phần lớn người dân đều hiểu biết, nếu thấu tình đạt lý, dẫn chứng cụ thể thì nhiều hộ tự nguyện khắc phục, không cố tình vi phạm.
Là trưởng thôn, tôi mong được hỗ trợ thêm về cơ chế phối hợp giữa các cấp, lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, việc đào tạo, tập huấn cho trưởng thôn và đoàn thể cũng cần được quan tâm hơn. Khi người đứng đầu cơ sở nắm vững pháp luật, có đủ công cụ hỗ trợ và nhận được sự phối hợp nhịp nhàng, chắc chắn kỷ cương trong quản lý đất đai sẽ được thiết lập từ gốc.
Sơn Tùng lược ghi