Góc nhìn

Thiên tai thử thách năng lực, trách nhiệm của cán bộ

Quỳnh Anh 26/07/2025 - 06:30

Bão lũ, thiên tai là điều không ai mong muốn nhưng khi nó xảy ra với những tình huống khó lường cũng là lúc lãnh đạo, cán bộ thể hiện tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha, đương đầu với thử thách.

1. Những ngày này, nhiều địa phương, đơn vị đang dồn sức, dồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Wipha), sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Bão đổ bộ vào đất liền nước ta ngày 22-7 và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng để lại nhiều thiệt hại tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và Bắc miền Trung. Ngay sau khi bão tan, ngày 23-7, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 4 (Cỏ may).

Với vị trí địa lý nằm trên đường đi của các cơn bão hình thành trên Biển Đông, hằng năm, nước ta thường xuyên phải đón nhận nhiều cơn bão, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Nhiều cơn bão khi đổ bộ vào nước ta đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản như: Bão số 12-Damrey (tháng 11-2017), bão số 9-Molave (tháng 10-2020), bão số 4-Noru (tháng 9-2022), bão số 3-Yagi (tháng 9-2024)...

Trong đó, bão số 3-Yagi là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng. Mặc dù chúng ta đã chủ động ứng phó nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề, cướp đi sinh mạng của 345 người dân, gây thiệt hại kinh tế gần 85.000 tỷ đồng.

Cùng với bão, nước ta cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như lũ lụt, lũ ống, lũ quét, hạn hán, sạt lở đất, xâm nhập mặn. Ước tính năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, nước ta đã xảy ra hơn 10.200 vụ tai nạn, sự cố, thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích và thiệt hại vật chất là rất lớn. Trong đó, chỉ tính từ đầu năm 2025 đến ngày 23-7-2025, thiên tai đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Phải khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống thiên tai, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân. Mỗi khi thiên tai, bão lũ ập đến, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước lại nhanh chóng xuống tận nơi, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả. Các cấp, ngành, địa phương đã chủ động triển khai công tác phòng, chống, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động phòng, ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định hơn. Nhiều loại hình thiên tai xuất hiện với cường độ và mức độ ngày càng lớn nên dù đã chủ động ứng phó, chúng ta vẫn chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản.

2. Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều cơ hội nhưng cũng chất chứa không ít thách thức. Trong hành trình đó, thiên tai - như một quy luật nghiệt ngã của tự nhiên - vẫn luôn là rào cản lớn đối với phát triển bền vững. Không chỉ khiến đời sống người dân khốn khó, thiên tai còn làm suy giảm thành quả kinh tế, khiến các khu vực nghèo càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh đó, vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là tại cơ sở, trở nên đặc biệt quan trọng.

Khi bão lũ, thiên tai xảy ra, điều dễ nhận thấy là người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn về đời sống, điều kiện đi lại thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Hơn bao giờ hết, họ rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và chính quyền, nhất là những cán bộ tại cơ sở - là lực lượng gần dân, hiểu dân nhất. Lãnh đạo, cán bộ chủ động, trách nhiệm, kịp thời đến với người dân không những tiếp thêm cho họ sức mạnh để vượt qua hoạn nạn mà còn góp phần tạo nên sự kết nối giữa chính quyền với nhân dân - yếu tố cốt lõi để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai, chiều 24-7 vừa qua, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhắc nhở lãnh đạo, cán bộ, chính quyền các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, phải bằng mọi cách tiếp cận những nơi đang bị chia cắt do thiên tai, nắm tình hình, cung cấp lương thực, nước uống cho người dân, không để tình trạng dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được.

Mỗi năm, người dân ở khắp các vùng quê nước ta lại gồng mình chống chọi với những trận bão, lũ, sạt lở hay hạn hán kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo, cán bộ - những người đại diện cho Nhà nước, cho chính quyền - cần chủ động mở đường, đến với dân một cách nhanh nhất, quyết liệt và chân thành nhất.

Việc chủ động đến với dân khi thiên tai xảy ra là sự thể hiện rõ nhất của tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết mình vì dân phục vụ. Hơn nữa chủ động đến với dân trong thiên tai cũng giúp cán bộ hiểu rõ thực tế, nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân, từ đó có những biện pháp hỗ trợ phù hợp hơn, không hình thức, không đối phó.

Bão lũ, thiên tai là điều không ai mong muốn nhưng khi nó xảy ra với những tình huống khó lường cũng là lúc lãnh đạo, cán bộ thể hiện tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha, đương đầu với thử thách. Khi lãnh đạo, cán bộ chủ động, sát dân, phản ứng nhanh thì dù thiên tai có khốc liệt đến đâu, thiệt hại về người và tài sản cũng giảm xuống mức thấp nhất.