Khoa học - Công nghệ

Không để lỡ "chuyến tàu" chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Khánh An 24/07/2025 16:0

Trong kỷ nguyên số và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang cho thấy sự tiên phong và quyết đoán trong chuyển đổi. Yếu tố quan trọng nhất giúp Petrovietnam dẫn đầu trong thời đại số chính là vai trò lãnh đạo toàn diện, nhất quán của Đảng ủy Tập đoàn.

Khát vọng hiện đại hóa vì dân tộc

Chuyển đổi số (CĐS) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật mà đó là biểu hiện của một tư duy phát triển mang tính chiến lược. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy Petrovietnam đã xác định công tác CĐS và ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong lãnh đạo trước các biến động nhanh chóng của công nghệ và xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh toàn cầu, đồng thời là nền tảng cho phát triển bền vững.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Tập đoàn đã xác định không thể bỏ lỡ "chuyến tàu" CĐS và ĐMST bằng việc ban hành Nghị quyết số 184-NQ/ĐU ngày 15-2-2022 về thực hiện CĐS tới năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Tập đoàn đã được ban hành liên tiếp, đảm bảo sự liên thông và hiệu lực trong chỉ đạo.

Tiếp đó, quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; cùng các nghị quyết, chỉ đạo, định hướng của các cấp về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST, CĐS, cũng như những định hướng phát triển ngành năng lượng, ngành dầu khí và Petrovietnam trong giai đoạn tới; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn thống nhất ban hành "Nghị quyết số 951-NQ/ĐU về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số" để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao từ Công ty mẹ đến các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn; huy động cả hệ thống chính trị Tập đoàn, từ cán bộ, đảng viên đến người lao động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

24-7 PVN 1.png
Lãnh đạo Petrovietnam báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về nghiên cứu thu hồi và lưu trữ CO2 của VPI.

Hiện nay, Petrovietnam không chỉ là Tập đoàn "mạnh về tiềm lực, cao về quản trị", mà còn là hình mẫu của mô hình doanh nghiệp nhà nước do Đảng lãnh đạo toàn diện, đổi mới mạnh mẽ, tiên phong vì quốc gia, không chỉ dừng ở định hướng chính trị mà đã được Đảng ủy Tập đoàn cụ thể hóa trong mọi quyết sách. Trong quá trình chuyển dịch chiến lược thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam, bên cạnh các ngành năng lượng truyền thống, Petrovietnam định hướng tiên phong trong chuyển dịch năng lượng, từ phát triển năng lượng tái tạo, điện khí LNG, hydrogen xanh đến thúc đẩy nội lực KHCN, ĐMST, CĐS để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng ủy, Petrovietnam đã triển khai chiến lược CĐS bài bản với 6 nhóm giải pháp chủ lực: Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), tự động hóa vận hành - khai thác. Một trong những trọng tâm là việc tạo lập và khai thác tài nguyên số, đặc biệt là xây dựng "Nền tảng số tập trung (DCP)" thông qua việc thu thập và chuẩn hóa dữ liệu theo thời gian thực, tập trung và ứng dụng khoa học dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác.

24-7 PVN 2.png
Petrovietnam đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng KHCN, CĐS, ĐMST trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ.

Việc ứng dụng CĐS sâu rộng thay đổi mô hình kinh doanh đã giúp Petrovietnam 3 năm liên tiếp phá kỷ lục về doanh thu, vượt mốc 1 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2024, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương với khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước 165.000 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Kết quả này góp phần giúp Petrovietnam hoàn thành sớm được kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm (2021-2025), vượt từ 6-32%. Không chỉ đứng đầu về doanh thu, lợi nhuận trong khối doanh nghiệp nhà nước, Petrovietnam cũng tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và đóng góp lớn cho an sinh xã hội đất nước.

Sức bật nội sinh cho phát triển bền vững

Gắn liền với CĐS là ĐMST - mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên sức bật đột phá. Đảng ủy Tập đoàn giữ vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, định hướng, tạo cơ chế và lan tỏa văn hóa sáng tạo trong toàn hệ thống.

Petrovietnam đã xây dựng hệ sinh thái ĐMST với sự tham gia tích cực của đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, đặc biệt là lực lượng trẻ. Các chương trình thi đua sáng kiến, sáng chế được tổ chức rộng khắp, góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Petrovietnam cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, định hướng đào tạo chuyên sâu cho ngành năng lượng tương lai.

Dưới sự dẫn dắt của Đảng ủy Tập đoàn, Petrovietnam đã hình thành các cơ chế đột phá để thúc đẩy chương trình KHCN thông qua đãi ngộ công bằng và cạnh tranh; chia sẻ rủi ro cho các nghiên cứu không thành công; khuyến khích tư duy tiến bộ, tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, ĐMST, KHCN. Hàng trăm giải thưởng đã được trao tặng cho các thành tựu về KHCN của ngành dầu khí, trong đó có nhiều công trình, cụm công trình vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN, Giải thưởng VIFOTEC...

24-7 PVN 3.png
Petro vietnam đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng KHCN, CĐS, ĐMST trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ.

Không dừng lại ở đầu tư công nghệ, Petrovietnam còn chú trọng xây dựng văn hóa hiệu quả, gắn ĐMST, CĐS với phát triển con người - đây là triết lý xuyên suốt trong các chương trình hành động của Đảng ủy Tập đoàn. Tập đoàn đã triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông nội bộ về CĐS, tổ chức các khóa đào tạo kiến thức số cho cán bộ, đảng viên và người lao động. Cùng với đó là các giải pháp số hóa quản trị thông qua triển khai hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), số hóa bộ quy chế Quản trị nội bộ, số hóa các dữ liệu của Petrovietnam trong toàn Tập đoàn, xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp.

Đảng ủy Petrovietnam luôn xác định CĐS và ĐMST không phải là đích đến, mà là hành trình liên tục. Trong hành trình đó, Petrovietnam - với sự dẫn đường của Đảng ủy Tập đoàn - đang từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt trong kỷ nguyên công nghiệp năng lượng mới, đặt nền móng cho sự thịnh vượng quốc gia bền vững trên nền tảng tri thức, công nghệ và khát vọng dân tộc. Đây là cơ sở để Tập đoàn tăng trưởng bền vững với tốc độ "2 con số", vươn tầm trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500).