Đường dây nóng

Giá cát leo thang: Áp lực doanh nghiệp, gánh nặng dân sinhBài 2: Bức tranh đa tầng sau "cơn sốt” cát

Nhóm phóng viên 22/07/2025 - 06:54

Vượt xa quy luật cung - cầu thông thường, "cơn sốt" giá cát xây dựng đang cho thấy những bất cập sâu xa trong quản lý tài nguyên và cơ chế điều hành thị trường.

Đằng sau tình trạng này là chuỗi nguyên nhân phức tạp từ lỗ hổng chính sách, thiếu dự báo đến dấu hiệu trục lợi, gây ra những hệ lụy khôn lường cho kinh tế - xã hội và môi trường, làm suy giảm niềm tin vào hoạt động kinh tế hợp pháp.

gia-cat.jpg
Một công trình xây dựng nhà ở tại xã Hương Sơn phải dừng thi công vì giá cát, vật liệu tăng cao.

Mất cân đối cung - cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo các chuyên gia, về mặt lý thuyết, khi nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế thì giá vật liệu sẽ tăng. Tuy nhiên, thực tế thị trường cát thời gian qua cho thấy, đây không chỉ là hệ quả của quy luật cung - cầu.

Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Phạm Văn Bắc phân tích: "Việc siết quản lý khai thác là điều cần thiết để bảo vệ tài nguyên và chống sạt lở, nhưng nếu không có kế hoạch cung ứng thay thế, thị trường sẽ bị bóp méo. Chúng ta đang chứng kiến điều đó với giá cát".

Bên cạnh đó, chính sách tăng cường kiểm soát để chống “cát tặc” - vốn là chủ trương đúng đắn nhưng lại thiếu giải pháp thay thế từ nguồn hợp pháp tương ứng, dẫn đến hụt cung. Tình trạng này khiến nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng dọc các sông: Hồng, Đà, Đuống… hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, không thể kinh doanh. Chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh do giá nhiên liệu và giá thuê nhân công cao hơn trước, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp buộc phải vận chuyển cát từ các tỉnh xa như: Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang về Hà Nội, khiến giá thành đội lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Một nguyên nhân khác, trong bối cảnh thiếu minh bạch thông tin, quy hoạch nguồn cung còn chắp vá, thị trường cát trở nên dễ bị thao túng bởi các nhóm lợi ích. Một số đầu mối bị nghi ngờ lợi dụng tình hình khan hàng để găm cát, “thổi giá” nhằm trục lợi. Tiêu biểu là vụ việc đấu giá 3 mỏ cát trên địa bàn thành phố Hà Nội (năm 2023) với giá trúng gần 1.700 tỷ đồng - cao gấp 70 lần so với giá khởi điểm. Sự kiện này đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch của quy trình đấu giá tài nguyên. UBND thành phố Hà Nội đã nhanh chóng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc. Dù kết quả cuối cùng chưa được công bố nhưng vụ việc phản ánh rõ sự cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu đầu cơ, thao túng trong ngành khai thác khoáng sản xây dựng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đấu giá mỏ cát với giá “trên trời” không chỉ đẩy giá vật liệu tăng mà còn khiến những doanh nghiệp nhỏ (hoặc vừa) không có khả năng tham gia thị trường. Hệ lụy là thị trường bị thu hẹp, rơi vào tay một số nhóm doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính, từ đó dẫn đến hiện tượng “lũng đoạn mềm”.

Tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam chỉ rõ: “Một số mỏ cát khai thác quá mức nhưng khi bị kiểm tra lại xuất hóa đơn với số lượng rất thấp, nhằm tránh thuế và giấu doanh thu thật. Đây là lỗ hổng trong công tác thanh tra, giám sát”. Thực trạng này cho thấy sự cần thiết phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn trong việc cấp phép, đấu giá và giám sát hoạt động khai thác cát.

Lỗ hổng trong quản lý thị trường?

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, xây dựng hạ tầng, việc giá vật liệu xây dựng leo thang, trong đó có giá cát, đang gây áp lực lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đại diện Ban Quản lý dự án xã Tam Hưng (Hà Nội) bày tỏ: "Hiện, trên địa bàn xã có một số khu, cụm công nghiệp được đầu tư theo hướng công nghiệp xanh, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động, nếu tiến độ chậm, việc thu hút doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn".

Doanh nhân bất động sản Nguyễn Lương Nam thì cho rằng, khi giá cát tăng cao, nguồn cung khan hiếm, tình trạng khai thác cát trái phép, buôn bán cát lậu có thể gia tăng do lợi nhuận hấp dẫn. Điều này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, phá hoại môi trường (sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ thủy sinh…) mà còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, gây mất ổn định xã hội.

Thực tế, một số tuyến sông Hồng, sông Đà đã ghi nhận tình trạng cát tặc tái xuất khiến bờ sạt lở, đe dọa an toàn công trình ven đê. Nghiêm trọng hơn là có thể xuất hiện một số tổ chức, cá nhân khai thác cát “chui” bán với giá thấp hơn thị trường 10-15%, khiến cát lậu có đất sống, vừa làm thất thoát tài nguyên, vừa tạo bất bình đẳng trong kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật với cả người mua.

Sự biến động bất thường của giá vật liệu xây dựng còn tạo tâm lý lo ngại, bất ổn trong thị trường, ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư ngần ngại rót vốn vào các dự án xây dựng, ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế vĩ mô. Việc giá cát tăng cao cũng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ khác như sản xuất xi măng, bê tông, gạch... Khi chi phí đầu vào tăng, giá thành sản phẩm của các ngành này cũng sẽ tăng theo, tạo ra hiệu ứng domino, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, có thể dẫn đến lạm phát, giảm sức mua của người dân…

“Cơn sốt” giá cát đang cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý thị trường vật liệu xây dựng. Trong khi doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản, người dân gánh thêm nợ nần vì xây dựng nhà ở..., không thể coi đây là “biến động thị trường bình thường” mà là thước đo năng lực quản trị tài nguyên, hiệu quả điều hành thị trường và sự công bằng trong tiếp cận cơ hội phát triển.

Việc cần thiết lúc này của các cơ quan chức năng là sớm có biện pháp đủ mạnh để điều tiết, minh bạch thị trường; đồng thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Về lâu dài, thành phố cần xây dựng hệ thống điều tiết thị trường vật liệu xây dựng hiện đại, có khả năng dự báo nhu cầu, kết nối cung - cầu minh bạch, thúc đẩy vật liệu thay thế bền vững. Cát từ lâu được xem là vật liệu phổ biến và thông dụng, nay đang trở thành phép thử cho khả năng quản lý tài nguyên của các sở, ngành thành phố Hà Nội.

(Còn nữa)