Hà Nội phát triển không gian ngầm:Gỡ vướng bằng chính sách ưu đãi, quy định đồng bộ
Tại kỳ họp thứ hai mươi lăm vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố nhằm cụ thể hóa Khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024. Bước tiến mới của thành phố trong khai thác, phát triển và sử dụng không gian ngầm này cần tiếp tục được thúc đẩy bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể cũng như các quy định pháp luật đồng bộ.

Ưu tiên giao thông và hạ tầng
Theo Nghị quyết mới được ban hành, thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các công trình ngầm phục vụ phát triển đường sắt đô thị như tuyến đường sắt đô thị ngầm, nhà ga ngầm và các công trình ngầm khác liên quan; công trình ngầm kết nối các công trình ngầm khác với nhau (kết nối ga đường sắt đô thị ngầm, công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, văn hóa, thể dục thể thao…). Danh mục này bao gồm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ngầm với 8 tuyến có tổng chiều dài khoảng 320,25km, 191 nhà ga, trong đó có 81,2km đi ngầm và 68 ga ngầm.
Các công trình giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị, đặc biệt là vấn đề giao thông cũng được thành phố khuyến khích đầu tư như hầm chui đường bộ, đường bộ ngầm, bãi đỗ xe ngầm; công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm cung cấp năng lượng, phục vụ chiếu sáng công cộng... Danh mục này gồm 85 công trình, trong đó có 5 hầm chui đường bộ, 78 bãi đỗ xe ngầm và 2 công trình công cộng ngầm…
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc ban hành danh mục này là bước cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 và các chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, thành phố ưu tiên tạo cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp mạnh cho Thủ đô để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, quy hoạch và sử dụng không gian ngầm.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024, không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch....
Các quy định cần đồng bộ, kịp thời
Thực tiễn phát triển của Hà Nội cho thấy việc phát triển không gian ngầm đã trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực hạ tầng và chất lượng sống đô thị. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, không gian ngầm là một trong những giải pháp để tiết kiệm tài nguyên đất đai, thực hiện mô hình đô thị hiện đại, tạo diện mạo mới cho Hà Nội.

Nhìn vào danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng của thành phố cho thấy, đến thời điểm này, không gian ngầm đã được chú trọng toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của đô thị, bao gồm giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thương mại, dịch vụ và các không gian công cộng khác. Việc ban hành danh mục này cũng là một bước cần thiết nhằm cụ thể hoá Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đồ án này đặc biệt quan tâm đến không gian ngầm nhằm khai thác hiệu quả không gian, nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), các ưu tiên và ưu đãi đầu tư trong xây dựng công trình ngầm không phải bây giờ mới đề cập. Nghị định số 39/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị đã đặt ra yêu cầu các đô thị phải có những chính sách ưu đãi đầu tư cho xây dựng công trình ngầm. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, nội dung này không được quan tâm một cách thỏa đáng.
“Tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, trong các quy định pháp luật về công tác quy hoạch, quản lý, công trình ngầm bắt đầu được quy định rõ ràng và cụ thể hơn. Đặc biệt, khi nền kinh tế phát triển, những nội dung được nêu ra cách đây hàng chục năm bắt đầu được quan tâm hơn. Chính vì vậy, việc Hà Nội ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội là hợp lý và đúng lúc”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, sau khi ban hành danh mục, thành phố cần tiếp tục cụ thể hóa các chính sách, thủ tục ưu đãi, hỗ trợ và thời gian tiếp cận dành cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để tránh vướng mắc có thể phát sinh, các quy định của pháp luật có liên quan cần phải sửa đổi, thay thế để bảo đảm tính đồng bộ, cũng như phải quy định cụ thể hơn cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Thực tế, Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm mới, quy định vượt trội so với các cơ chế, chính sách hiện hành. Để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô, các đơn vị liên quan cần kiểm tra, đôn đốc về tiến độ triển khai các quy định trong Luật đã giao theo phân cấp nhằm bảo đảm tính đồng bộ.
“Thành phố mở ra các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực để đầu tư, xây dựng công trình ngầm. Các quy định pháp luật có liên quan cũng đề cập đến quản lý xây dựng công trình ngầm, không gian ngầm. Do đó, các quy định quản lý xây dựng công trình ngầm, không gian ngầm, trong đó bao gồm cả cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cần sớm được ban hành thì mới giải quyết các vấn đề phát sinh của Thủ đô trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách. Nếu các quy định của pháp luật không đồng bộ và kịp thời thì các cơ chế, chính sách vẫn bị vướng và gặp khó trong thực hiện”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến nêu.