Để mạng xã hội lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn
Từ những quảng cáo “thần thánh hóa” sản phẩm đến những phát ngôn gây tranh cãi, không ít người nổi tiếng đang vô tình tiếp tay cho tình trạng hỗn loạn trên không gian mạng.
Khi sự nổi tiếng bị đặt nhầm chỗ, hậu quả không chỉ là niềm tin của công chúng bị tổn hại mà trách nhiệm xã hội còn bị xem nhẹ. Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng có sức ảnh hưởng sâu rộng, hơn ai hết, người nổi tiếng cần ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Khi danh tiếng bị thương mại hóa
Trong thời đại số, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người Việt với hơn 73 triệu người dùng. Không chỉ là công cụ kết nối, đây còn là nơi hình thành và định hướng dư luận xã hội, trong đó người nổi tiếng giữ vai trò đặc biệt nhờ sức ảnh hưởng rộng lớn. Tuy nhiên, hàng loạt vụ việc gần đây cho thấy, không ít người đã lợi dụng danh tiếng để quảng bá sản phẩm sai sự thật, tiếp tay cho hành vi gian dối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin xã hội và an ninh mạng.
Điển hình là vụ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố vì quảng cáo Kera Supergreens Gummies - sản phẩm được giới thiệu là “tương đương một đĩa rau xanh”, song thực chất kém chất lượng, gây hiểu lầm nghiêm trọng. Trước đó, biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo cũng từng vướng vào vi phạm vì quảng bá sữa bột HIUP - sản phẩm giả do công ty Z Holding sản xuất. Hay như TikToker “Gia đình Hải Sen” lợi dụng hình ảnh thân thiện để quảng cáo siro Hải Bé với công dụng không đúng thực tế dành cho trẻ nhỏ; kết cục, sản phẩm bị thu hồi và người quảng bá bị khởi tố...
Những vụ việc trên đang phản ánh một thực trạng đáng lo ngại, danh tiếng đang bị thương mại hóa một cách thiếu kiểm soát. Không ít người sẵn sàng đánh đổi uy tín, hình ảnh cá nhân, thậm chí cả đạo đức nghề nghiệp để thu lợi, bất chấp hậu quả đối với cộng đồng. Trong khi đó, chính người tiêu dùng - đặc biệt là giới trẻ và các bậc phụ huynh - lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi niềm tin đặt nhầm chỗ.
Theo kết quả một cuộc khảo sát an ninh mạng cuối năm 2024 với hơn 59.000 người tham gia, tại Việt Nam, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có một người là nạn nhân của các hình thức lừa đảo trực tuyến. Tổng thiệt hại ghi nhận lên tới gần 19.000 tỷ đồng chỉ trong vòng một năm. Số liệu này cho thấy mức độ phổ biến đáng báo động của tội phạm mạng, đồng thời phản ánh mối liên hệ trực tiếp giữa nội dung lan truyền trên mạng xã hội với hậu quả thực tế mà người dân phải gánh chịu. Trong đó, vai trò của người nổi tiếng là yếu tố không thể xem nhẹ.
Về mặt quản lý, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ liên quan đến hoạt động quảng cáo, bảo vệ người tiêu dùng, thông tin truyền thông và an ninh mạng. Tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều bất cập. Không ít hợp đồng quảng cáo giữa người nổi tiếng và doanh nghiệp được ký kết một cách dễ dãi, thiếu cơ chế kiểm chứng. Các nền tảng mạng xã hội - đặc biệt là nền tảng nước ngoài - lại khó giám sát, khiến nội dung sai lệch dễ dàng lan truyền, gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Trong khi đó, chế tài xử phạt hiện hành còn nhẹ, chủ yếu mang tính hình thức, chưa đủ sức răn đe.


Danh tiếng càng lớn, trách nhiệm càng cao
Tại sự kiện “Tọa đàm, gặp mặt những người có ảnh hưởng trên không gian mạng” do Công an thành phố Hà Nội tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, khẳng định: Trước bối cảnh không gian mạng đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội không còn đơn thuần là cá nhân chia sẻ nội dung mà là nhân tố định hình dư luận, xây dựng văn hóa ứng xử và lan tỏa giá trị sống. Vì vậy, họ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đấu tranh với các thông tin lệch chuẩn, sai sự thật. Đồng thời, họ cần đồng hành cùng lực lượng chức năng lan tỏa thông tin tích cực, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển xã hội văn minh.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Xuân Bắc nhận định, trên không gian mạng hiện nay, có rất nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng. Họ đang góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, xây dựng môi trường xã hội văn minh, điều này rất đáng trân trọng và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, nếu vì mục đích cá nhân mà nghệ sĩ hay người có ảnh hưởng lạm dụng danh tiếng để chia sẻ thông tin sai lệch, phóng đại sự thật thì cần phải xử lý nghiêm minh.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho người nổi tiếng trên mạng xã hội, quy định rõ trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Bộ quy tắc này cần bao gồm các yêu cầu cụ thể như minh bạch hóa hợp đồng quảng cáo, xác thực nội dung, chỉ quảng bá sản phẩm đã sử dụng hoặc kiểm chứng, đồng thời phải chịu trách nhiệm nếu gây hậu quả tiêu cực cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nền tảng mạng xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tránh để nội dung sai lệch lan truyền rộng rãi. Cùng với giải pháp về chính sách và giám sát, truyền thông giáo dục và nâng cao nhận thức cũng là yếu tố không thể thiếu.

Cuối cùng, cần khẳng định rằng không gian mạng là một phần không thể tách rời của đời sống hiện đại, và danh tiếng - xét cho cùng - là một dạng quyền lực có sức ảnh hưởng sâu rộng. Nhưng quyền lực ấy không đồng nghĩa với tự do tuyệt đối. Danh tiếng càng lớn, trách nhiệm càng cao. Mỗi cá nhân - dù là nghệ sĩ, người nổi tiếng hay người bình thường - đều cần tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm xã hội trong từng hành vi trực tuyến. Như Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Xuân Bắc từng nhấn mạnh: “Càng là nghệ sĩ, người nổi tiếng càng cần ý thức rõ về vai trò và ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng và xã hội. Người nổi tiếng cần tôn trọng danh tiếng của chính mình, chỉ nên đánh giá và giới thiệu sản phẩm một cách trung thực, khách quan từ thực tế mà bản thân đã trải nghiệm. Khi sử dụng tên tuổi trong hoạt động thương mại cần cẩn trọng, tránh vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật”.
Muốn xây dựng một không gian mạng lành mạnh, pháp luật phải mạnh tay hơn, xã hội cần tỉnh táo hơn và người nổi tiếng cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của mình. Đặc biệt, trong thời đại số, khi mạng xã hội không chỉ là nơi giao tiếp, giải trí mà còn tác động sâu rộng đến nhận thức và hành vi của cộng đồng thì sự lan tràn của tin giả, phát ngôn lệch chuẩn và nội dung “câu view” sẽ gây nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là với giới trẻ. Trước thực trạng đó, pháp luật cần có những quy định chặt chẽ và được thực thi nghiêm minh nhằm xử lý các hành vi sai trái trên không gian mạng. Cùng với đó, mỗi người cần tự trang bị nhận thức đúng đắn, biết lựa chọn thông tin phù hợp và hành xử văn minh trên môi trường số. Đặc biệt, với sức ảnh hưởng rộng rãi, người nổi tiếng phải ý thức rõ vai trò của mình, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và trở thành tấm gương trong việc lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng... Chỉ khi đó, mạng xã hội mới thật sự trở thành nơi lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn và lành mạnh.
Ngày 10-7-2025, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 312/QĐ-XPHC đối với bà Nguyễn Hoàng Linh (MC Hoàng Linh) do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27, tổng số tiền phạt là 107,5 triệu đồng. Ngoài ra, bà Nguyễn Hoàng Linh còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do thực hiện các hành vi nêu trên là buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin.
Trước đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với BTV Quang Minh và MC Vân Hugo do sai phạm trong hoạt động quảng cáo. Tổng số tiền phạt BTV Quang Minh phải nộp là 37,5 triệu đồng, còn MC Vân Hugo bị phạt 70 triệu đồng.