Chính quyền cơ sở Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ vì người dân
Sau hơn 2 tuần thành phố Hà Nội triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các Điểm phục vụ hành chính công đã dần đi vào hoạt động nền nếp.
Do số lượng hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của xã, phường tăng nhiều so với trước, từ 112 thủ tục hành chính (TTHC) lên 559 TTHC, nên cùng với việc quan tâm bố trí nhân sự, trang thiết bị hiện đại, nhiều đơn vị nỗ lực triển khai giải pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng giải quyết TTHC cho người dân.

Đồng hành cùng công dân
Hiện tổng số TTHC đã công bố (bao gồm cả các quyết định ban hành trước và sau ngày 1-7-2025 đến nay) là 2.089 TTHC, trong đó số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã là 559 TTHC (tăng 447 TTHC so với trước ngày 1-7-2025). Thành phố đã công khai địa điểm tiếp nhận TTHC thuộc 126 xã, phường và 30 điểm tiếp nhận của 12 Chi nhánh thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, đồng thời công khai đường dây nóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, gần 11h ngày 17-7, Điểm phục vụ hành chính công phường Thanh Liệt vẫn khá đông công dân đến làm TTHC. Ba chuyên viên được phân công làm việc tại đây tập trung cao độ để tiếp nhận và trả hồ sơ hiệu quả nhất.
Trong buổi sáng 17-7-2025, Điểm phục vụ hành chính công phường Thanh Liệt đã tiếp 53 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 53 hồ sơ. Tổng số lượt công dân đến làm việc tại điểm tiếp nhận từ ngày 1-7 đến 17-7 là 457 lượt, tiếp nhận và xử lý 447 hồ sơ; trong đó phần lớn là hồ sơ lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch (372 hồ sơ). 100% hồ sơ được giải quyết theo đúng quy trình, đúng hạn, không có hồ sơ tồn đọng.
Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND phường Thanh Liệt Chử Mạnh Thăng cho biết, lượng công dân đến làm TTHC khá đông nên cùng với việc cử các đoàn viên, thanh niên hằng ngày trực tại Điểm phục vụ hành chính công, in các tờ mẫu hướng dẫn..., phường đã quan tâm đầu tư các thiết bị hiện đại để phục vụ công dân, như: Máy scan, máy tính để bàn, màn hình cảm ứng 65 inch để công dân tiện tra cứu, hoàn thiện hồ sơ hành chính. Cùng với đó, phường mua 3 bộ máy báo rung với gần 50 thẻ cầm tay; khi công dân đến lấy số thứ tự thì sẽ được phát thẻ, đến lượt thẻ sẽ rung báo hiệu. Đặc biệt, phường Thanh Liệt đã sáng kiến áp dụng đưa AI vào hỗ trợ hướng dẫn về TTHC. Theo đó, người dân dù đã có tài khoản ChatGPT hay chưa cài ứng dụng đều có thể tra cứu, thực hiện các TTHC trên công cụ AI của phường, bao gồm cả thủ tục trực tuyến và trực tiếp theo từng bước.

Chị Trần Thị Thảo (phường Thanh Liệt) chia sẻ: “Tôi thấy việc đưa AI vào hướng dẫn công dân làm TTHC thực sự rất sáng tạo. Chỉ cần gõ lệnh yêu cầu là ChatGPT của phường hướng dẫn rất chi tiết giúp hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định”.
Tại phường Hà Đông, sau hơn 2 tuần vận hành mô hình mới đã tiếp nhận tới hơn 3.000 hồ sơ TTHC. Phường đã có sáng kiến tách thủ tục chứng thực làm riêng để vừa giảm tải cho bộ phận “một cửa” vừa giải quyết nhanh, được người dân đánh giá cao.
Tương tự, tại phường Yên Sở, UBND phường đã chỉ đạo đoàn thanh niên cơ sở phối hợp cùng lực lượng Công an triển khai tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt phần mềm VNeID, hướng dẫn cách đăng nhập, thao tác sử dụng, đăng nhập hồ sơ dịch vụ công, hạn chế phải xuất trình lại các giấy tờ đã có trong cơ sở dữ liệu.
Chủ tịch UBND phường Yên Sở Vũ Tuấn Đạt cho biết: “Phường đã tổ chức đội thanh niên phản ứng nhanh để hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công tại điểm tiếp nhận, giải quyết TTHC. Cùng với đó, phường duy trì hợp tác với các đơn vị phối hợp thực hiện trực và hướng dẫn công dân tại điểm tiếp nhận, bao gồm: Cộng tác viên tư vấn luật, bưu chính viễn thông, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cán bộ công nghệ thông tin hướng dẫn vận hành phần mềm dịch vụ công Hà Nội, bảo đảm việc hướng dẫn công dân thực hiện TTHC được xuyên suốt”.
Sớm khắc phục vướng mắc về phần mềm
Theo báo cáo của thành phố về tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC khi thực hiện mô hình mới, từ ngày 1-7-2025 đến 13-7-2025, các Điểm phục vụ hành chính công đã tiếp nhận tổng số 66.655 hồ sơ (trong đó, nộp trực tuyến: 9.292 hồ sơ, chiếm 14%; nộp trực tiếp: 57.363 hồ sơ, chiếm 86%).
Từ ngày 1-7-2025 đến ngày 13-7-2025, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã huy động hơn 200 luật sư luân phiên thực hiện hỗ trợ, tư vấn pháp lý miễn phí cho cá nhân và tổ chức khi thực hiện TTHC tại các Điểm phục vụ hành chính công (với khoảng trên 700 lượt). Qua khảo sát, hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp lý miễn phí được người dân đồng tình, ủng hộ cao.

thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Hiền Thu
Những nỗ lực cùng các giải pháp, sáng kiến của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã góp phần quan trọng để chính quyền địa phương cấp xã mới hoạt động thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số vấn đề phát sinh cần sớm được khắc phục. Cụ thể, Hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, VNeID, dịch vụ công liên thông và các hệ thống đặc thù của ngành (tư pháp) có lúc hoạt động chưa ổn định, còn lỗi, khiến một số TTHC phải tiếp nhận hồ sơ thủ công, gây mất thời gian cho người dân. Tài khoản VNeID chưa cập nhật hết thông tin xã, phường mới nên khi nhập trực tuyến trên cổng thông tin bị lỗi, không nộp được hồ sơ. Một số TTHC chưa được cập nhật trên hệ thống; phần mềm quản lý hộ tịch thường xuyên bị lỗi…
Đối với các vướng mắc nêu trên, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố cho biết đơn vị đã nắm được và đang triển khai các biện pháp khắc phục. Sau đó, các đợt tập huấn sẽ được tổ chức, kèm theo video hướng dẫn, phối hợp cùng Tổ chuyển đổi số cộng đồng và đoàn thanh niên để đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục trực tuyến ngay tại nhà.