Xây dựng

Hồng Sơn siết chặt quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Kim Nhuệ 21/07/2025 - 06:42

Sau khi chính quyền địa phương hai cấp hoạt động ổn định, xã Hồng Sơn đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, bước đầu mang lại chuyển biến tích cực.

Không chỉ thể hiện quyết tâm của chính quyền, quá trình xử lý còn cho thấy sự hợp tác, tự giác từ phía người dân là nền tảng quan trọng để củng cố hiệu lực quản lý ngay từ cơ sở.

xay-dunmg.jpg
Cán bộ xã Hồng Sơn kiểm tra việc các hộ dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng.

Theo thống kê của UBND xã Hồng Sơn, thời điểm chuyển giao giữa bộ máy hành chính cũ và mới đã xuất hiện 12 vụ vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng tại các khu vực: Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá… Hành vi vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, tự ý xây dựng công trình trên đất trồng lúa. Một số hộ dân chỉ dựng khung sắt, mái tôn, làm móng tạm nhưng cũng có trường hợp đã hoàn thiện phần công trình chính. Dù quy mô khác nhau, tất cả đều vi phạm và ảnh hưởng đến trật tự quản lý đất đai.

Không để xảy ra tình trạng “tranh thủ” khi bộ máy mới đang hoàn thiện, UBND xã Hồng Sơn đã vào cuộc quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Đặng Minh Đức, từ những ngày đầu thành lập, xã đã phát cảnh báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh, quán triệt rõ quan điểm: Xử lý nghiêm, dứt điểm, không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ, bất kể quy mô vi phạm.

Cùng với đó, xã thành lập Tổ kiểm tra xử lý nhanh do Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. Thành phần gồm đại diện Phòng Kinh tế, Công an xã, các hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ địa chính và trưởng thôn. Tổ kiểm tra có nhiệm vụ thường trực 24/7, tiếp nhận thông tin, kiểm tra hiện trường, xác minh nguồn gốc đất, thời điểm, đối tượng vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý. Ngoài việc lập biên bản, Tổ kiểm tra còn được phân quyền yêu cầu khắc phục hậu quả, cưỡng chế vi phạm nếu cần thiết.

Phó Trưởng phòng Kinh tế xã Hồng Sơn Phạm Văn Thú cho biết: “Chúng tôi xác định rõ, làm nhanh nhưng không nóng vội; làm dứt điểm nhưng phải công khai, minh bạch, đúng luật. Mỗi cán bộ đều nắm chắc quy định pháp lý, đồng thời vận dụng linh hoạt trong quá trình vận động người dân. Mục tiêu không chỉ xử lý vi phạm, mà còn ngăn chặn tái diễn...”.

Một điểm đáng chú ý là xã Hồng Sơn không đơn thuần xử lý hành chính mà chú trọng tuyên truyền, đối thoại thẳng thắn, giải thích rõ quy định và hậu quả pháp lý để người dân tự khắc phục. Sự mềm dẻo trong vận động, kết hợp quyết đoán trong xử lý là cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với đặc thù nông thôn, tạo được sự đồng thuận cao.

Nhờ cách làm đó, đến nay đã có 9/12 hộ dân vi phạm tự giác tháo dỡ toàn bộ công trình sai phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Bà Đinh Thị Tân, một trong những hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ định làm mái để che cây, làm chỗ chơi cho các con. Được cán bộ xã giải thích, chúng tôi chấp nhận thuê thợ tháo dỡ, vì hiểu rằng giữ đất đúng luật cũng là giữ sự bình yên lâu dài cho con cháu”.

Không chỉ bà Tân, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã cũng chủ động thuê máy móc, nhân công tháo dỡ phần móng gạch, khung thép, mái lợp trái phép trên đất nông nghiệp. Những hành động cụ thể ấy thể hiện tinh thần trách nhiệm, góp phần lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng.

Đối với 3 hộ dân còn lại, Phó Trưởng phòng Kinh tế xã Hồng Sơn Phạm Văn Thú cho biết, UBND xã đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng đất trước khi vi phạm. Nếu hộ nào cố tình không thực hiện, xã sẽ cưỡng chế theo quy định.

Thực tế cho thấy, sự chủ động và nghiêm túc từ chính quyền đã góp phần thiết lập lại trật tự trong quản lý đất đai ngay từ những ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Từ 12 vụ việc ban đầu, xã Hồng Sơn tiếp tục duy trì chế độ kiểm tra định kỳ, đột xuất, phát hiện sớm các nguy cơ vi phạm mới. Không để sai phạm nhỏ tích tụ thành hệ lụy lớn, đó là thông điệp xuyên suốt được quán triệt tới toàn bộ cán bộ, công chức. Xã Hồng Sơn cũng xác định, kỷ cương chỉ được giữ vững khi pháp luật đi vào từng hộ dân với từng hành động cụ thể.

“Mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên, cùng chính quyền giữ gìn tài nguyên đất đai và trật tự pháp luật vì sự phát triển bền vững của cộng đồng!”, thông điệp từ xã Hồng Sơn không chỉ là lời kêu gọi, mà còn là cam kết hành động rõ ràng, quyết liệt.