Xe++

Chuyển đổi phương tiện không phát thải tại chỗ: Cần sự chung tay của cộng đồng

Hoàng Linh 21/07/2025 06:15

Chủ trương hạn chế xe máy xăng trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội nhằm giảm ô nhiễm và hướng tới đô thị xanh đang trực tiếp tác động đến thói quen, chi phí và nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân.

Để chính sách này đi vào cuộc sống, cần có sự hỗ trợ thiết thực từ chính quyền và sự đồng thuận từ cộng đồng, cùng chung tay xây dựng một thành phố văn minh, sạch đẹp và bền vững.

xe-may-xang.jpg
Hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nội đô sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí, hướng tới phát triển bền vững.

Hướng tới cách tiếp cận đa chiều

Theo Chỉ thị số 20/CT‑TTg, từ ngày 1-7-2026, xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng sẽ bị hạn chế lưu thông trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội. Từ 1-1-2028, ngoài xe máy xăng, cả ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ bị hạn chế trong Vành đai 1 và 2. Dự kiến đến năm 2030, vùng hạn chế sẽ mở rộng tới Vành đai 3. Có thể nói, đây là một quyết định mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chuyển mình của Thủ đô trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng đô thị phát thải thấp.

Chính sách này cũng mở ra cơ hội tái thiết lại không gian giao thông nội đô, tạo điều kiện phát triển các loại hình giao thông công cộng và cá nhân không phát thải tại chỗ - trong đó có phương tiện điện. Từ đó, Thành phố có thể từng bước tiến tới mô hình đô thị ít phát thải, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách mới còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia, bởi Hà Nội là nơi phần lớn bạn bè quốc tế đặt chân đầu tiên khi đến Việt Nam.

Để hiện thực hóa tầm nhìn, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ tham mưu triển khai chuyển đổi phương tiện xanh và hạ tầng trạm sạc xe điện; đồng thời nghiên cứu những cách tiếp cận đa chiều, từ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đổi khoảng 450.000 xe máy xăng tại Vành đai 1, cho tới hỗ trợ lệ phí trước bạ, phí đăng ký khi chuyển sang xe máy điện không phát thải. Hà Nội cũng có lộ trình đầu tư xây dựng mạng lưới trạm sạc, điểm đổi pin, các bến đỗ hiện đại phục vụ xe điện...

Tại tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố dự kiến trình HĐND thành phố vào tháng 9-2025 các nghị quyết chuyên đề để thể chế hóa nội dung của Chỉ thị 20, tạo cơ sở pháp lý triển khai đồng bộ toàn hệ thống.

Thuận lợi đan xen thách thức

Dù xu hướng chung là ủng hộ không gian sống xanh, song vẫn có không ít ý kiến lo ngại nếu chính sách hạn chế xe xăng được áp dụng cứng nhắc sẽ gây tác động lớn đến đời sống, trong đó có nhiều vấn đề cần quan tâm như: Hạ tầng giao thông công cộng chưa đủ để đáp ứng; người có thu nhập thấp khó có điều kiện đổi xe hoặc thích nghi nhanh với các yêu cầu mới; nguy cơ chuyển dịch xe cũ sang các tỉnh lân cận, tạo áp lực môi trường mới ở nơi khác nếu không có chính sách kiểm soát đi kèm... Ngoài ra, các chính sách thuế, hỗ trợ chuyển đổi xe và tái đào tạo nhân lực trong ngành cơ khí -xăng, dầu cũng cần được lồng ghép trong chiến lược quốc gia về giao thông xanh.

Xem xét kinh nghiệm từ các nước đi trước, một điểm chung là hạn chế xe xăng chỉ có hiệu quả khi người dân có lựa chọn thay thế hợp lý, rẻ và tiện dụng. Hạ tầng trạm sạc, ưu đãi tài chính và quy hoạch giao thông thông minh là ba yếu tố cốt lõi để chính sách hạn chế xe xăng có thể phối hợp hài hòa với các giải pháp giảm phát thải và các tiến trình phát triển đô thị song song khác, tránh gây sốc cho xã hội.

Bên cạnh đó, việc chuyển sang xe điện đòi hỏi người dùng chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi không chỉ về kỹ thuật sử dụng - từ nạp nhiên liệu sang sạc điện, từ bảo dưỡng định kỳ sang chăm sóc pin, từ tính linh hoạt của xe xăng sang tính toán lộ trình - mà còn là sự dịch chuyển trong thói quen sống, văn hóa tiêu dùng, thậm chí là hình ảnh xã hội gắn với phương tiện cá nhân.

Nhà sản xuất chuyển động cho "bình thường mới"

Nhìn tổng thể thị trường xe hai bánh hiện nay, việc chuyển đổi phương tiện có một số thuận lợi. Xe điện hai bánh nay đã có đầy đủ các lựa chọn ở mọi phân khúc. Các mẫu xe điện như Honda ICON e:, VinFast Feliz S/Evo200, Dat Bike Quantum S… có mức giá và tiện ích tương đương xe tay ga truyền thống, phù hợp cho nội đô. Các xe này có giá 27 - 32 triệu đồng, pin chạy được 70 - 100km mỗi lần sạc, thường có các tính năng khóa thông minh, kết nối điện thoại và sạc thuận tiện tại nhà.

Với lối đi mới, các doanh nghiệp sản xuất xe điện có cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, việc đảm bảo lượng xe điện để thay thế vẫn là bài toán khó. Hà Nội hiện có khoảng 5,6 triệu xe máy đang lưu hành, trong đó hơn 90% là xe xăng. Trong khi đó, đến giữa năm 2025, ước tính năng lực xe máy điện trong nước của các hãng lớn vào khoảng 1 triệu xe/năm. Như vậy, ngay cả khi các hãng đều mở rộng nhà máy, việc sản xuất 4 - 5 triệu xe điện trong vòng vài năm không dễ, đặc biệt khi nhiều linh kiện vẫn phải nhập khẩu hoặc chưa được nội địa hóa hoàn toàn.

Tiến tới mục tiêu không còn xe máy xăng ở các quận nội thành Hà Nội vào 2030, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó quan trọng nhất là tạo ra những nền tảng để người dân an tâm sử dụng, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và quá trình chuyển đổi diễn ra an toàn, đồng bộ, hiệu quả.

Dù thế nào, ngày 1-7-2026 sẽ là dấu mốc mang tính bản lề, đặt Hà Nội vào một quỹ đạo phát triển mới, đề cao giá trị môi trường, sức khỏe cộng đồng và tính bền vững. Thành công hay thất bại không nằm ở việc cấm hay không, mà ở chỗ chúng ta chuẩn bị cho sự thay đổi đó kỹ lưỡng đến đâu.