Đô thị sau sắp xếp địa giới hành chính: Ðòi hỏi tư duy sáng tạo và cơ chế quản lý đặc thù
Việc sắp xếp lại địa giới hành chính không chỉ là sự điều chỉnh về ranh giới, mà còn đánh dấu khởi đầu cho quá trình kiến tạo không gian đô thị theo tư duy mới.
Đây cũng là thời điểm để huy động và tái phân bổ nguồn lực phát triển, từ hệ thống quản trị, hạ tầng kỹ thuật đến tiềm năng văn hóa, xã hội. Khi không gian được tái thiết, bài toán đô thị không còn dừng ở việc quản lý hiện trạng, mà còn đòi hỏi tư duy sáng tạo nhằm hình thành diện mạo văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững cho Thủ đô.
Bí thư Đảng ủy phường Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:
Xây dựng không gian sống văn minh, thân thiện với môi trường

Tái cấu trúc địa giới hành chính các phường của quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung là một chủ trương quan trọng, nhằm tạo ra không gian đô thị hợp lý, đồng bộ về hạ tầng với tầm nhìn đến năm 2030 và 2050. Việc này giúp Tây Hồ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đặc biệt, việc sắp xếp lại địa giới sẽ tạo cơ hội lớn để quản lý và quy hoạch không gian quanh hồ Tây một cách hiệu quả, nâng cao giá trị sử dụng đất, phát triển hạ tầng và các dịch vụ du lịch, mang lại môi trường sinh thái và văn minh.
Phường Tây Hồ được thành lập từ việc sáp nhập các phường xung quanh hồ Tây, nằm trọn vẹn trong quy hoạch phân khu A6 Hồ Tây và vùng phụ cận. Phường có diện tích 10,72km² và dân số khoảng 100.122 người. Trong giai đoạn tới, Tây Hồ tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch không gian đô thị ven hồ Tây theo hướng hiện đại và sinh thái. Mục tiêu của phường là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và di sản đặc trưng, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ với các khu vực khác để giảm tải giao thông cho trung tâm thành phố. Tây Hồ cũng chú trọng phát triển các không gian văn hóa, nghệ thuật, các tuyến phố ẩm thực và phố đi bộ, tăng sức hút cho du lịch, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cộng đồng cư dân. Ngoài ra, phường cũng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đẩy mạnh dịch vụ, thương mại và du lịch chất lượng cao, đồng thời xây dựng không gian sống đẳng cấp, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, Tây Hồ sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm khơi dậy sự sáng tạo và làm giàu giá trị bản sắc địa phương, đưa phường trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ của Thủ đô.
Bí thư Đảng ủy phường Hồng Hà Bùi Tuấn Anh:
Tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển đô thị “quay mặt ra sông”

Phường Hồng Hà được thành lập từ việc hợp nhất các phường thuộc 5 quận nội thành, với diện tích hơn 15km² và dân số hơn 123.000 người. Đặc biệt, phường nằm ngoài đê sông Hồng, kéo dài từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy, nối liền khu phố cổ với không gian mở rộng ven sông. Chính vì vậy, Hồng Hà có tiềm năng lớn trong việc phát triển cảnh quan sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, và phát triển nông nghiệp đô thị gắn liền với các làng nghề, lễ hội và di tích lâu đời.
Với đặc điểm địa lý này, việc quy hoạch không gian đô thị của Hồng Hà cần phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể và bài bản, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững. Việc sắp xếp lại địa giới hành chính các phường trong toàn thành phố Hà Nội là một chiến lược quan trọng, giúp đồng bộ hóa quy hoạch và phát huy tối đa giá trị cảnh quan, di sản của vùng đất ven sông Hồng. Điều này không chỉ tạo cơ hội phát triển các trung tâm kinh tế, văn hóa, mà còn phù hợp với chiến lược xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị xanh, thông minh và đáng sống.
Đảng ủy và chính quyền địa phương đã nhận thức rõ rằng việc tái cấu trúc địa giới hành chính không chỉ là vấn đề hành chính đơn thuần mà là cơ hội để cải cách toàn diện, nâng cao hiệu quả quản trị và phục vụ nhân dân. Phường đã bắt tay vào hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu dân cư, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ cho phát triển đô thị thông minh.
Để phát triển, Hồng Hà sẽ tập trung vào việc khai thác tối đa tiềm năng vùng bãi ven sông, phát triển nông nghiệp sạch, du lịch sinh thái cộng đồng, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và làng nghề truyền thống. Ngoài ra, phường sẽ tổ chức lại không gian dân cư, phù hợp với quy hoạch để thích ứng với thiên tai, đồng thời xây dựng hình ảnh một đô thị sinh thái “quay mặt ra sông”, là một điểm sáng của Thủ đô.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội:
Cần cơ chế quản lý phù hợp với thách thức đặc thù

Việc xác định địa giới mới theo địa hình đường sá và sông ngòi tại thành phố Hà Nội thuận lợi trong việc khoanh vùng, vẽ bản đồ, hạn chế được việc chồng lấn. Tuy nhiên, lịch sử hình thành các ranh giới địa phương tuân theo quy luật của địa lý nhân sinh phức tạp hơn vì còn liên quan đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế và tôn giáo.
Cụ thể, các phường đô thị có đặc thù phát triển khác nhau về kinh tế dịch vụ thương mại, văn phòng trụ sở các cơ quan kinh tế, chính trị, hay nghỉ dưỡng/giải trí hoặc chỉ tập trung dân cư mật độ cao thì dựa vào đó mà lập nên những định hướng phát triển phù hợp. Trong khi đó, các xã sản xuất nông nghiệp cần phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, hỗ trợ nhau từ sản xuất đến tiêu thụ nên hình thành cộng đồng dân cư bền chặt, để tối ưu hóa lợi ích trong quan hệ hữu cơ, vượt qua ranh giới địa hình. Tách ra các xã riêng nhưng vẫn cần hợp tác để không chia cắt hệ sinh thái đặc thù.
Thách thức lớn nhất là các phường, xã nằm trong không gian thoát lũ sông Hồng. Các xã, phường cần khẩn trương xác định mốc giới bảo vệ không gian dành cho nước chảy vào 2 mùa lũ/cạn và trong tình huống rủi ro cao nhất để đảm bảo nơi ở an toàn cho cư dân tại địa phương, và an toàn pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thực thi quản lý. Đây là chuỗi những thách thức đặc thù cần một cơ chế quản lý phù hợp.