Góc nhìn

Cấm và quản

Hoàng Lê 20/07/2025 14:15

Mới đây, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chủ trương cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường học, kể cả trong giờ ra chơi, trừ khi có sự cho phép của giáo viên. Dự kiến, quy định này sẽ được áp dụng từ năm học 2025 - 2026.

Chính sách nói trên không gây nhiều bất ngờ, bởi trong nhiều năm qua, việc hạn chế hoặc cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học đã được triển khai tại nhiều quốc gia cũng như một số địa phương ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn cầu, vào năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã lên tiếng kêu gọi các trường học áp dụng quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp, dựa trên các nghiên cứu cho thấy thiết bị này làm giảm sự tập trung và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập. Tại Việt Nam, rất nhiều lý do được những người ủng hộ quy định này đưa ra, nổi bật trong đó là việc để trẻ tự do sử dụng điện thoại trong trường học là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bắt nạt online”, bạo lực học đường, giảm tương tác, thậm chí là lan truyền văn hóa phẩm độc hại...

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, quy định này cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối. Nhiều ý kiến cho rằng điện thoại di động, nếu được sử dụng đúng cách, có thể trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho cả việc học của học sinh và quá trình giảng dạy của giáo viên. Chẳng hạn, trong môn ngoại ngữ, điện thoại có thể đóng vai trò như một “từ điển điện tử” giúp học sinh tra cứu từ vựng, luyện phát âm qua các ứng dụng học tập. Với những hoạt động nhóm hoặc dự án học tập, thiết bị này cũng là phương tiện giúp kết nối, chia sẻ tài liệu và phối hợp làm việc từ xa. Dưới sự quản lý và định hướng của người lớn, điện thoại còn có thể hỗ trợ trẻ tiếp cận các hình thức giải trí lành mạnh phù hợp với lứa tuổi, hoặc tìm kiếm thông tin hữu ích về thế giới xung quanh.

Bởi thế, có một vấn đề lớn hơn cần được đặt ra, không nằm ở việc trẻ sử dụng điện thoại trong trường học hay tại nhà, mà là chúng ta nên đơn giản “cấm tiệt” hay nỗ lực tìm cách hướng trẻ sử dụng điện thoại thông minh một cách có lợi?

Trong cách tiếp cận việc sử dụng điện thoại của trẻ em, chính người lớn chúng ta lại đang thể hiện sự mâu thuẫn. Như một học giả nước ngoài từng nhận xét một cách hài hước rằng, chúng ta háo hức cấm trẻ sử dụng thiết bị công nghệ, trong khi lại yêu cầu chúng nộp đơn xin việc trực tuyến. Thực tế, mỗi lớp học tại Việt Nam, từ cấp trung học cơ sở, đã tồn tại rất nhiều nhóm Zalo và nhiệm vụ học tập ở nhà của trẻ nhiều khi được giáo viên truyền qua những nhóm này...

Tháng 7 này, trên các diễn đàn phụ huynh có con vừa thi vào lớp 10, một trong những chủ đề được quan tâm là việc chọn mua điện thoại cho con. Không ít phụ huynh chia sẻ rằng, với việc con phải học xa nhà hoặc không còn được đưa đón mỗi ngày, một chiếc điện thoại là công cụ cần thiết để duy trì liên lạc, giúp họ yên tâm hơn. Với những học sinh bắt đầu bước vào giai đoạn tự lập, thiết bị này không chỉ để liên lạc với gia đình hay bạn bè, mà còn phục vụ các nhu cầu thiết thực như thanh toán bữa trưa qua ví điện tử, tra cứu thông tin phục vụ bài tự học, hoặc liên hệ sửa xe khi gặp sự cố trên đường. Ở thời điểm này, việc “loại bỏ hoàn toàn” điện thoại khỏi đời sống của nhóm đối tượng học sinh trung học phổ thông không còn là lựa chọn phù hợp.

Khi nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trên lớp mà không kèm theo bài học sử dụng điện thoại một cách an toàn, trách nhiệm này sẽ được đặt lên vai của phụ huynh học sinh. Vì thế, việc dạy trẻ cách dùng điện thoại hợp lý, an toàn cần được thực hiện khi trẻ còn ở độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở, để khi trẻ vào cấp cuối phổ thông hay học đại học, không thể cấm trẻ sử dụng thiết bị công nghệ, các em đã có đủ “hành trang” để sử dụng công nghệ một cách chủ động, biết tránh xa cạm bẫy và những hệ lụy xấu từ chiếc điện thoại thông minh.