Môi trường

Hà Nội khẩn trương ứng phó mưa bão

Bảo Châu 19/07/2025 - 21:59

Dự báo từ ngày 21-7, bão số 3 sẽ ảnh hưởng đến Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc, Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án ứng phó mưa bão.

bao-321.gif
Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 3 phát lúc 20h ngày 19-7. Ảnh: Nchmf

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 19h ngày 19-7, vị trí tâm bão số 3 nằm trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 10-11, giật cấp 14.

Hiện, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/giờ và tiếp tục mạnh thêm.

Dự báo đến ngày 21-7, bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, gây mưa lớn, gió mạnh, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Trên đất liền, tối và đêm 19-7, khu vực Bắc Bộ và dải đất từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Đặc biệt, từ chiều 21 đến ngày 23-7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 300mm. Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An dự báo có mưa rất to với lượng mưa từ 200-350mm, nơi cao có thể vượt 600mm.

Trước dự báo trên, tối 19-7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công điện yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả; không để bị động, bất ngờ; bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng người dân; giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Về nhiệm vụ cụ thể, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường rà soát kỹ các khu dân cư, phát hiện và cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu; sẵn sàng phương án di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các điểm ngập, ngầm tràn, khu vực sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân.

Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi sát diễn biến, chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hệ thống thủy lợi, bảo vệ sản xuất và giao thông; kịp thời khắc phục các sự cố nếu xảy ra.

Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo công an xã, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn sẵn sàng phối hợp sơ tán dân cư, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Các cơ quan truyền thông tăng cường phát sóng, cập nhật tin tức, khuyến cáo để người dân nắm được thông tin, kỹ năng phòng tránh thiên tai...

Về trận mưa dông xảy ra chiều tối 19-7, cơ quan khí tượng thủy văn khẳng định không phải do bão gây ra. Đây là trận mưa dông nhiệt thường xuất hiện sau những ngày nắng nóng.

Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, trận mưa chiều 19-7 có lượng mưa từ 20 đến hơn 60mm. Do mưa lớn trong thời gian ngắn nên một số tuyến phố thuộc khu vực nội thành xuất hiện điểm úng ngập cục bộ, như: Ngã năm Bà Triệu, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê (ngã ba Mai Xuân Thưởng). Đến 17h45 cùng ngày, nước đã rút hết, giao thông ổn định trở lại.

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết đã kích hoạt ứng trực, vận hành sớm các trạm bơm và hồ điều hòa, mở các cửa điều tiết để hạ mực nước hệ thống, bảo đảm an toàn thoát nước toàn thành phố. Đến 18h30 cùng ngày, mưa đã giảm, chỉ còn lác đác vài nơi, các lực lượng vẫn tiếp tục trực và sẵn sàng ứng phó với diễn biến tiếp theo.

Về tình hình thiệt hại, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, các đơn vị, địa phương đang thống kê thiệt hại và tiếp tục thực hiện các phương án khắc phục hậu quả mưa lớn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi bão đổ bộ, xuất hiện mưa lớn.

tram-bom.jpg
Trận mưa dông chiều 19-7 làm tốc mái Trạm bơm Tân Độ (xã Hồng Sơn). Ảnh: PV

Thông tin nhanh từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, trận mưa dông chiều tối 19-7 đã làm 3 trạm bơm bị tốc mái. Cụ thể: Trạm bơm tiêu Khê Tang (xã Bình Minh) bị lật mái nhà trạm khoảng 15m²; Trạm bơm tưới Tân Độ (xã Hồng Sơn) bị lật mái khoảng 20m²; Trạm bơm tưới Phụng Châu (phường Chương Mỹ) bị lật mái nhà quản lý khoảng 4m².