Thế giới

Mỹ bác các sửa đổi của WHO về ứng phó đại dịch

Hoàng Linh 19/07/2025 - 20:29

Ngày 19-7 (giờ Việt Nam), chính quyền Mỹ đã tuyên bố bác bỏ các sửa đổi Quy định Y tế quốc tế (IHR) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra năm 2024 - liên quan đến ứng phó đại dịch, với lý do những điều chỉnh này vi phạm chủ quyền quốc gia của Mỹ.

who_2.jpg
Bên ngoài trụ sở WHO tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Ảnh: Denis Balibouse.

Theo truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đã gửi văn bản chính thức tới WHO để từ chối các sửa đổi IHR, vốn đã được thông qua theo đồng thuận vào năm ngoái.

Các quy định này, vốn đã hoàn tất tại Geneva vào tháng 5-2025 sau 3 năm đàm phán, được đưa ra nhằm bảo đảm rằng thuốc, liệu pháp điều trị và vắc xin sẽ được phân phối công bằng toàn cầu khi đại dịch tiếp theo xảy ra. Theo quy định, các nhà sản xuất tham gia sẽ phải dành ít nhất 20% sản phẩm cho WHO để cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn.

Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng: "Những sửa đổi này được xây dựng mà không có sự đóng góp đầy đủ từ công chúng, đồng thời mở rộng vai trò của WHO trong các tình huống khẩn cấp về y tế, trao thêm quyền cho tổ chức này trong việc tuyên bố đại dịch và thúc đẩy khái niệm “tiếp cận công bằng’ các mặt hàng y tế”.

Ngoại trưởng Marco Rubio và Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr. cho rằng thuật ngữ trong các sửa đổi “mơ hồ và quá rộng”, có nguy cơ khiến WHO đưa ra các phản ứng quốc tế mang tính chính trị thay vì hành động hiệu quả và nhanh chóng.

Trên cơ sở đó, các quan chức Mỹ khẳng định, việc từ chối sửa đổi là để “bảo vệ chủ quyền nước Mỹ”.

Tuy nhiên, nhiều kênh truyền thông quốc tế dẫn các điều khoản trong Hiệp định về đại dịch của WHO cho biết các sửa đổi này không can thiệp vào chính sách y tế quốc gia và không hề làm suy giảm chủ quyền của các nước.

Theo Global Times (Trung Quốc), việc Mỹ liên tục từ chối các quyết định của WHO cho thấy Washington đang quay lưng lại với hợp tác đa phương.

Nhiều ý kiến cũng cảnh báo việc Mỹ tự tách mình ra khỏi mạng lưới thông tin toàn cầu của WHO sẽ khiến nước này suy giảm nghiêm trọng năng lực ứng phó dịch bệnh trong tương lai.

Theo Straits Times, các quốc gia có hạn chót đến hết ngày 19-7 (giờ Geneva) để gửi ý kiến phản đối sửa đổi IHR.

Trong giai đoạn đại dịch, các biện pháp như phong tỏa và tiêm vắc xin bắt buộc từng là chủ đề gây tranh cãi dữ dội tại Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định, với một quốc gia có mức độ di chuyển dân số lớn như Mỹ, việc từ chối hợp tác với WHO và các nước khác sẽ gây cản trở lớn cho việc chia sẻ thông tin, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống quản trị an ninh y tế toàn cầu.

Theo The Global Times, The Straits Times