Sân khấu học đường: Bao giờ có câu chuyện của các em?

Giải trí - Ngày đăng : 06:10, 11/09/2022

(HNMCT) - Đào tạo khán giả trẻ, phát triển sân khấu học đường được coi là giải pháp quan trọng, bền vững để tạo nguồn khán giả cho sân khấu tương lai. Tuy nhiên, sân khấu học đường hôm nay thiếu vắng những câu chuyện về chính các em.

Sân khấu dành cho thiếu nhi vẫn quanh quẩn với những câu chuyện mang tính ngụ ngôn.

Những “món” quá quen

Mặc dù năm nào các nhà hát ở Thủ đô cũng cố gắng đưa ra một số kịch mục dành cho thiếu nhi, đặc biệt là vào dịp hè, Trung thu. Tuy nhiên, nhìn vào “thực đơn sân khấu” của các em trong nhiều năm qua sẽ thấy một mô típ quen thuộc, trải đều ở các loại hình sân khấu khác nhau. Đó là những kịch bản được lấy cảm hứng từ cổ tích hoặc dựng mới nhưng theo cách kể câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích, thông qua đó mang đến những bài học giáo dục. 

Chẳng hạn, năm nay ở Nhà hát Tuổi trẻ là dự án “Mùa hè yêu thương” với những vở diễn như Nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”, vở kịch “Cuộc chiến virus” và vở kịch “Vaxilixa và phù thủy độc ác”. Với Nhà hát Kịch Hà Nội là chùm vở diễn: “Hai viên ngọc thần”, “Sự tích dã tràng” do NSND Tuấn Hải đạo diễn, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam. Kịch mục cho các chương trình Trung thu cũng theo những lối mòn với những tích truyện xưa cũ, dùng các câu chuyện ngụ ngôn để giáo dục các em thông qua sự dẫn dắt của hai nhân vật mang tính truyền thống là chú Cuội, chị Hằng…

Tác giả Nguyễn Thị Vân Kim đánh giá: “Kịch bản sân khấu học đường cũng thiếu vắng mảng đề tài hiện đại. Chẳng hạn, kịch bản viết về người thầy không phải hiếm trên sân khấu, như thầy Chu Văn An, thầy Tôn Thất Tùng là nhân vật chính trên sàn diễn nhiều năm qua và luôn được các thế hệ khán giả nồng nhiệt đón nhận. Song, những vở kịch mới viết về học đường, về những người thầy và cả thế hệ học trò hôm nay với nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc cũng đang thiếu hụt, đặt ra cho người nghệ sĩ sáng tác kịch bản, biểu diễn sân khấu nhiều mối quan tâm, gây cảm xúc vừa yêu thương vô bờ vừa âu lo sâu sắc”.

Đồng quan điểm, tác giả Đỗ An Ninh cũng cho rằng: “Hiện nay, kịch bản viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi đều thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng; hình thức tương tác với người xem còn mỏng, thiếu chiều sâu. Chúng ta không thể quanh quẩn với những trò cũ kỹ, lời tương tác theo kiểu: "Các em ơi, con lợn nó kêu thế nào ấy nhỉ"... Rồi con chó, con mèo, con hổ, con ngan, con vịt... Hết trò thì hỏi "con giun nó kêu thế nào ấy nhỉ?", làm các khán giả nhí ngơ ngác nhìn nhau nên diễn viên đành chuyển sang "con cà con kê con dê con khỉ" để cuối vở diễn các cháu chả hiểu chủ đề của vở kịch vừa xem là gì"…

Không phản ánh “đúng”, “trúng” thì khó có khán giả

Ngoài những bài học giáo dục được rút ra từ các câu chuyện ngụ ngôn, khán giả trẻ cũng có mong muốn được chia sẻ mối quan tâm chung trên sân khấu.

“Chúng ta vẫn có thể tiếp tục khai thác những đề tài về lịch sử, chuyển thể chuyện xưa tích cũ - ví dụ các câu chuyện về đức tính hiếu học, lòng thương kính mẹ cha, biết ơn thầy cô, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa anh chị em, bè bạn… Đó là vấn đề muôn thuở của loài người nói chung cũng như định hướng nhân cách cho thiếu nhi nói riêng. Nhưng cần lưu ý rằng, thiếu nhi với bao nhiêu mối quan hệ, sự quan tâm thì người viết chúng ta có bấy nhiêu tiểu đề tài và hệ chủ đề: Về trường lớp, thầy cô, gia đình, bạn bè, thiên nhiên, cuộc sống hiện đại… xoay quanh các em thiếu nhi” - tác giả Đỗ An Ninh bày tỏ.

Còn theo tác giả Nguyễn Thị Vân Kim, ngay trong cuộc sống học đường cũng có rất nhiều vấn đề khiến dư luận xã hội quan tâm và bức xúc. Có thể đơn cử như: Nạn bạo lực học đường, vấn đề trầm cảm, gian lận thi cử, văn hóa ứng xử trong trường học, tình yêu học trò… Để giải quyết những vấn đề trên, cần có sự quan tâm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, của gia đình, của mỗi cá nhân, song nhân dân luôn đặt niềm tin vào tâm huyết, tài năng, công sức của các văn nghệ sĩ, các tác giả sân khấu Hà Nội đã và sẽ góp thêm nhiều tiếng nói mạnh mẽ hỗ trợ “sự nghiệp trồng người”. Những sáng tác góp phần giải quyết mâu thuẫn và đưa ra giải pháp cho các vấn đề hiện thực nổi cộm còn thiếu vắng trong đời sống sân khấu hiện đại.

Khán giả ở lứa tuổi học đường hôm nay chính là những người sáng tạo và là khán giả tương lai của sân khấu. Muốn thu hút các em, khiến các em say mê sân khấu và thực sự trở thành những người góp phần tạo nên thành công của sân khấu nước nhà thì trước hết sân khấu phải trở thành “người bạn nghệ thuật”, nói lên tiếng nói của chính các em.

Song Nhật