Ấn Độ không ủng hộ lệnh trừng phạt năng lượng của EU nhắm vào Nga
Theo Izvestia, Ấn Độ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương và cảnh báo về tiêu chuẩn kép trong lĩnh vực thương mại năng lượng.
Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal khi bình luận về gói trừng phạt thứ 18 của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga.

"Chúng tôi đã chú ý đến các lệnh trừng phạt mới nhất do EU công bố. Ấn Độ không ủng hộ bất kỳ biện pháp đơn phương nào. Chúng tôi là một bên có trách nhiệm và vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình", trong một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội X của ông Jaiswal cho biết.
Đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh, New Delhi coi việc đảm bảo an ninh năng lượng là "cam kết có tầm quan trọng cao nhất" đối với người dân nước này.
Trước đó, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas thông báo rằng, 27 quốc gia thành viên đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga. Các biện pháp hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc, và các nước EU cũng đã đồng ý hạ trần giá dầu của Nga.
Trong diễn biến liên quan, ngày 18-7, phát biểu tại một cuộc họp báo với Tổng thống Romania Nicusor Dan tại Berlin (Đức), Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố: Ukraine sẽ không được EU công nhận một cách nhanh chóng, và điều này chắc chắn sẽ không xảy ra cho đến khi xung đột Ukraine kết thúc.
"Quá trình Ukraine gia nhập EU vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng tất nhiên chúng ta đều biết rằng việc gia nhập liên minh sẽ diễn ra dần dần. Và chừng nào Ukraine còn trong tình trạng xung đột, thì dĩ nhiên, khả năng gia nhập EU là rất thấp. Nhưng chúng tôi muốn đưa Ukraine đến gần EU, để liên kết chặt chẽ nhất có thể. Cần phải có một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này, nhưng đây là một quá trình chắc chắn sẽ mất nhiều năm", Thủ tướng Đức nêu rõ.
Ông Friedrich Merz cho biết thêm, điều quan trọng nhất là chấm dứt xung đột ở Ukraine, sau đó giải quyết vấn đề tiếp cận EU của Kiev.
Theo Izvestia