Ngược dòng thách thức để tăng trưởng bứt phá
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy xu hướng tích cực, từng bước tiệm cận mục tiêu đề ra là tăng 8% trở lên trong năm 2025.
Con số nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 là tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,52% - mức tăng cùng kỳ cao nhất trong giai đoạn 2011-2025; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 432 tỷ USD, xuất siêu là 7,63 tỷ USD; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký là 21,52 tỷ USD, tăng 32,6%...
Tín hiệu hết sức lạc quan là mức tăng trưởng mang tính đồng đều và toàn diện, được dẫn dắt bởi cả 3 khu vực kinh tế. Cụ thể, khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao với mức 8,14% và đóng góp tới 52,21% vào mức tăng chung. Điểm đáng chú ý là trong khu vực dịch vụ, các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng tới 14,58%, cho thấy những tác động rất tích cực của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng vững chắc với mức tăng 8,33%, đóng góp 42,2% vào tăng trưởng chung. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ ổn định cho nền kinh tế, có mức tăng 3,84%, đóng góp 5,59% vào mức tăng chung.
Nhìn chung, dù đối mặt với khó khăn nội tại và từ bên ngoài, chúng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, tập trung khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt là thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện thể chế, pháp luật, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, qua đó đã bước đầu có những tác động tích cực đến nền kinh tế.
Cùng với đó, 4 nghị quyết được xác định là “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân đã, đang được các cấp, các ngành thực thi rất quyết liệt, mạnh mẽ và thực chất.
Kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2025 là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, đồng thời tạo tiền đề tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Thể hiện quyết tâm này, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 diễn ra ngày 16-7 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng dưới 4,5%, tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8,3-8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải mục tiêu bất khả thi". Do đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, "làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó", phân công “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền).
Xét trong ngắn hạn và dài hạn, việc thực hiện đạt các mục tiêu đề ra đều rất quan trọng đối với tương lai đất nước. Vì vậy, trong ngắn hạn, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các trụ cột tăng trưởng quan trọng. Trước hết là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, hóa giải và kiểm soát tốt hàng rào thuế quan trong thương mại quốc tế. Tiếp đến là cần tận dụng hiệu quả các lợi thế hiện có và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nói cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do thế hệ mới mang lại để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cần lưu ý, doanh nghiệp nào có tầm nhìn xa, sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là người giữ thế chủ động và vững vàng trên thị trường thương mại toàn cầu có nhiều biến đổi khó lường.
Trụ cột tiếp theo là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% (khoảng 1 triệu tỷ đồng), bảo đảm tổng đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 11-12% so với năm 2024. Mục tiêu này là thách thức không nhỏ, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất để hóa giải ngay những khó khăn, khơi thông nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Cùng với các trụ cột nêu trên, trong ngắn hạn, chúng ta cần quan tâm thúc đẩy tăng trưởng về tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật...
Đặc biệt, các “đầu tàu” về kinh tế của cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Quảng Ninh... cần tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP để tạo động lực cho cả nước.
Trong dài hạn, cần tổ chức thực hiện hiệu quả “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị bằng các cơ chế, chính sách phù hợp với từng bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Ở góc độ địa phương, sau sáp nhập đơn vị hành chính, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, đang tạo ra dư địa rất lớn cho phát triển. Do đó, các tỉnh, thành phố và xã, phường, đặc khu cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai hiệu quả phân cấp, phân quyền và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hóa giải thách thức, tận dụng tốt các cơ hội hiện có sẽ tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và tiếp tục bứt phá cho những năm tiếp theo.