Nông nghiệp - Nông thôn

Thúc đẩy xuất khẩu 4 sản phẩm trái cây chủ lực

Ngọc Quỳnh 18/07/2025 12:28

Trái cây Việt Nam có cơ hội vươn xa nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và chinh phục thị trường bằng chất lượng, minh bạch và sự chuyên nghiệp.

Đây là thông điệp được nhấn mạnh tại Diễn đàn giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu 4 sản phẩm trái cây có lợi thế cạnh tranh: Chanh dây, chuối, dứa, dừa, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 18-7, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tiềm năng xuất khẩu rất lớn

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam hiện có hơn 1,3 triệu hecta cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm; hơn 50 loại cây ăn quả phân bố khắp các vùng miền. Trong đó, chuối 161.000ha, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD vào năm 2024, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chuối lớn thứ 9 thế giới. Sản phẩm chuối Việt Nam có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Về dứa, cả nước hiện có hơn 52,5 nghìn hecta, dự kiến sản lượng đạt 807.000 tấn vào năm 2026. Các sản phẩm từ dứa của Việt Nam đã xuất sang các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… Theo dự báo, thị trường dứa toàn cầu có thể đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2028.

18-7.jpg
Phiên tọa đàm tại diễn đàn. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Với chanh dây, Việt Nam hiện đạt 163.000 tấn sản lượng/năm, chủ yếu sản xuất tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Việt Nam đang trong top 10 quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới, đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Khoảng 70-80% sản lượng chanh dây tươi và chế biến của nước ta được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2024, xuất khẩu chanh dây đạt 172 triệu USD; 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu các sản phẩm chanh dây thu 89,5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Về dừa, Việt Nam hiện có hơn 202 nghìn hecta canh tác, sản lượng hằng năm đạt hơn 2,28 triệu tấn. Việt Nam đang đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới. Năm 2024, dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD (trong đó, dừa tươi đạt 391 triệu USD). Ngoài Trung Quốc, dừa Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, Hàn Quốc… và liên tục được mở rộng thị trường.

dua1.jpg
Dây chuyền chế biến dứa xuất khẩu của DOVECO. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Như Cường, nhóm cây ăn quả đang ngày càng khẳng định vai trò động lực trong tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1,28 triệu hecta. Trong đó, 4 loại trái cây: chanh dây, chuối, dứa, dừa hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu.

Quy hoạch rõ ràng, tránh trồng ồ ạt

Có tiềm năng, lợi thế nhưng ngành trái cây Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu như kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Chẳng hạn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã thu hồi một số mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên sầu riêng và mít của Việt Nam do liên quan những trường hợp vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tuy việc đàm phán tại các thị trường Nam Mỹ không gặp nhiều khó khăn, song đây lại là những thị trường rất xa nên việc vận chuyển, bảo quản gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh như: Peru, Ecuador, Mexico, Colombia, Costa Rica... có sản phẩm tương tự và khoảng cách gần hơn. Còn thị trường ASEAN tuy gần và yêu cầu về kiểm dịch không quá cao nhưng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, có nông sản tương tự nên việc cạnh tranh không dễ dàng.

Để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) Phạm Quốc Liêm chia sẻ, Unifarm tập trung từ khâu đầu tiên là chọn tạo, phát triển giống. Đơn cử, giống chuối cần của công ty cho năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng kháng bệnh héo rũ Panama (loại bệnh nguy hiểm đang đe dọa nhiều vùng trồng chuối trên thế giới). Unifarm kỳ vọng ngành hàng chuối Việt Nam có thể đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD - đồng nghĩa với việc giá trị sản xuất phải đạt ít nhất 20.000 USD/ha, gấp gần 10 lần hiện nay. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu toàn ngành cùng hướng đến sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, duy trì chất lượng đồng đều...

VÔng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nafoods cho hay, để phát triển bền vững ngành hàng trái cây chủ lực, các cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng, tránh tình trạng trồng ồ ạt khi giá cao dẫn đến mất giá. Cần kiểm soát các thương lái Trung Quốc và nhà máy nước ngoài thu mua với giá quá thấptăng cường quản lý giống giả, giống kém chất lượng. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần cập nhật nhanh chóng và quản lý chặt chẽ các quy định về dư lượng
Các địa phương cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, tránh tình trạng trồng ồ ạt cây ăn quả. Ảnh: Tùng Nguyễn

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển bền vững ngành hàng trái cây chủ lực, các cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn đến mất giá. Đồng thời, cần kiểm soát việc thu mua với giá quá thấp; tăng cường quản lý giống, không để tồn tại giống cây giả, giống kém chất lượng...

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng cần cập nhật nhanh chóng, quản lý chặt chẽ quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, cũng như kiểm tra nghiêm ngặt các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu chung của nông sản Việt Nam.

“Phát triển sản phẩm quốc gia không thể thiếu vai trò của vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến và thương hiệu. Trái cây Việt Nam có cơ hội vươn xa nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và chinh phục thị trường bằng chất lượng, minh bạch và sự chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh.