Vùng phát thải thấp: Cách các đô thị đang "thở sạch" trở lại
Ô nhiễm không khí từ lâu đã là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe. Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế khí thải xe cộ như vùng phát thải thấp (LEZ) đang dần cải thiện tình hình tại các thành phố.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí liên quan đến 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm do bệnh tim, đột quỵ, tắc nghẽn phổi mãn tính và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, hơn một nửa dân số toàn cầu đang sinh sống và làm việc tại các thành phố và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Đáng chú ý, 41% thành phố ghi nhận mức độ ô nhiễm cao gấp 7 lần so với khuyến nghị của WHO, đồng nghĩa người dân phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nguy hiểm có thể gây ra một loạt vấn đề về sức khỏe.

Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện những bằng chứng cho thấy, việc hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại trung tâm thành phố thông qua triển khai các LEZ có thể mang lại lợi ích sức khỏe rõ rệt.
Về bản chất, LEZ là những khu vực được xác định theo vị trí địa lý để hạn chế số lượng phương tiện thải ra các loại khí độc hại, hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng không khí địa phương.
Nhiều thành phố ở châu Âu đã triển khai LEZ, còn được gọi là vùng không khí sạch (CAZ), hoặc vùng phát thải có lợi (ZFE), để tuân thủ những yêu cầu về chất lượng không khí của quốc gia hoặc Liên minh châu Âu (EU).
LEZ được quản lý dựa trên những quy định về khí thải, thường được phân loại theo tiêu chuẩn Euro hoặc các hệ thống quốc gia như Crit'Air của Pháp, để cấm các phương tiện không đạt chuẩn hoặc yêu cầu phải trả phí hằng ngày nếu muốn lưu thông.
Vùng không phát thải (ZEZ) là một bước tiến nghiêm ngặt hơn, chỉ cho phép lưu thông đối với những phương tiện không phát khí thải như xe điện chạy bằng pin (BEV) và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro (FCEV), cũng như các phương tiện giao thông phi động cơ.

ZEZ cũng cho thấy tham vọng lớn hơn, hướng đến việc loại bỏ khí thải từ ống xả, qua đó góp phần trực tiếp vào quá trình khử carbon đô thị và trung hòa khí hậu. Vùng này cũng được thiết kế để đẩy nhanh quá trình phổ biến các loại xe không phát thải (ZEV) và khuyến khích chuyển đổi từ phụ thuộc vào ô tô cá nhân sang các phương thức vận tải bền vững.
Kết quả phân tích các nghiên cứu sức khỏe tại hơn 320 LEZ ở châu Âu do một nhóm nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London (Anh) tiến hành đã cho thấy sự suy giảm về tỷ lệ mắc những căn bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, cũng như số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Một trong những lợi ích sức khỏe lớn nhất tại khu vực không khí sạch là giúp giảm các bệnh tim mạch. Những vấn đề về huyết áp cũng được cải thiện, giúp nhóm người cao tuổi được hưởng lợi nhiều nhất.
Rosemary Chamberlain, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả phân tích khẳng định LEZ có thể cải thiện sức khỏe liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí.
C40, một liên minh toàn cầu về làm sạch không khí ở các khu vực đô thị, đã khởi động chương trình “Breathe Cities” vào tháng 6-2023. Sáng kiến này trị giá 30 triệu USD, nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành phố trong nỗ lực hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí.
C40 cho biết, vùng phát thải siêu thấp (ULEZ) tại London đã mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho 4 triệu người dân khi cắt giảm 1/5 lượng khí thải nitơ điôxít (NO2) ở khu vực nội thành và giảm đến 800.000 tấn khí CO2 từ các phương tiện giao thông trên phạm vi toàn thành phố.

Quá trình triển khai LEZ và ZEZ đã tăng tốc đáng kể, đặc biệt tại châu Âu và đang ngày càng được nhân rộng ở những khu vực khác. EU và Vương quốc Anh dẫn đầu với hơn 320 LEZ đến năm 2022, dự kiến sẽ vượt mốc 500 vào năm 2025. Các tiêu chuẩn chất lượng không khí nghiêm ngặt của EU và áp lực ngày càng tăng từ người dân ảnh hưởng rất lớn đến đà tăng trưởng này.
Một số quốc gia thành viên EU đã thiết lập những khuôn khổ quốc gia đóng vai trò như chất xúc tác. Hà Lan yêu cầu vùng không phát thải dành riêng cho vận chuyển hàng hóa (ZEZ-F) phải được áp dụng tại 30 đến 40 thành phố lớn nhất trong năm 2025. Cùng năm, Luật Khí hậu và Khả năng phục hồi của Pháp quy định thiết lập LEZ tại các khu vực đô thị trên 150.000 dân thông qua hệ thống Crit'Air.
Tương tự, Tây Ban Nha đã yêu cầu áp dụng LEZ tại các thành phố có dân số hơn 50.000 người vào năm 2023. Vương quốc Anh cũng thúc đẩy nhiều thành phố thiết lập LEZ thông qua khuôn khổ quốc gia, với ULEZ tại London là một ví dụ điển hình.
Động lực cũng đang lan tỏa ra ngoài châu Âu, với việc thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) thành lập “Khu logistics xanh”, một hình thức ZEZ-F thể hiện cam kết điện khí hóa vận tải hàng hóa đô thị.
Mỹ Latinh cũng đang thể hiện sự quan tâm, với thành phố Guadalajara của Mexico đã công bố LEZ. Một số thành phố lớn như Bogota, Medellin và Santiago cũng đã ký kết hợp tác với C40.
Điểm chung của kế hoạch thiết lập những khu vực ít phát thải là chiến lược triển khai theo từng giai đoạn, dần dần thắt chặt các hạn chế hoặc mở rộng phạm vi áp dụng theo thời gian. Cách tiếp cận này cho phép người dân và doanh nghiệp dần thích nghi, đồng thời tạo điều kiện để chính quyền có thời gian phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như áp dụng các cơ chế nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật.
(Theo World Economic Forum, The Guardian, WHO)