“Xé túi mù” trúng đồ ăn: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Thời gian gần đây, trò chơi “xé túi mù” vẫn tiếp tục gây sốt trong giới trẻ. Nếu như trước kia, “xé túi mù” thường là cơ hội để người chơi nhận được các món đồ chơi, gấu bông hay phụ kiện thì hiện nay hình thức này đã mở rộng sang các mặt hàng tiêu dùng, thậm chí là thực phẩm đóng gói sẵn như mì ly, bánh kẹo, nước ngọt...
Trong bối cảnh hàng trăm tấn thực phẩm giả, hàng nhái kém chất lượng liên tục bị phát hiện, thu giữ và xử lý, việc một bộ phận giới trẻ vẫn lựa chọn mua thực phẩm dưới dạng trò chơi may rủi “mập mờ” cho thấy sự coi thường sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ đáng lo ngại.
Hãi hùng với hàng hóa không rõ nguồn gốc

“Trend” xé túi mù, hay còn gọi là hộp bí ẩn, xuất phát từ Nhật Bản với tên gọi Fukubukuro - nghĩa là “túi may mắn”. Ban đầu, các cửa hàng ở Nhật Bản đã sáng tạo hình thức đóng gói hàng hóa trong những “túi mù” bí ẩn nhằm kích thích khách hàng mua sản phẩm mà không biết bên trong có gì. Đây cũng là cách giúp “đẩy” các mặt hàng tồn kho với mức giá hấp dẫn. Nhiều sản phẩm vốn để lâu trên kệ không ai mua, chỉ cần đóng gói trong túi bí ẩn đã được tiêu thụ nhanh chóng. Từ một “mẹo” nhỏ trong kinh doanh, trò chơi xé túi mù nhanh chóng trở thành “trend” lan rộng trong giới trẻ.
Ngoài mô hình đồ chơi, giờ đây quần áo, mỹ phẩm cùng nhiều mặt hàng và dịch vụ khác cũng đã tham gia vào cơn sốt “xé túi mù”. Sau khi người chơi “ngán” các loại đồ chơi mô hình, cặp tóc, phụ kiện thời trang, túi mù bắt đầu “tràn” sang các loại thực phẩm như bánh ngọt, bánh tráng, trà sữa, mì gói, mì ly, kẹo, nước ngọt...
Quy tắc chơi túi mù các loại thực phẩm giống hệt trò xé túi mù với đồ chơi trước đây, thường được tổ chức qua các buổi livestream trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, TikTok, thu hút hàng nghìn lượt xem. Thay vì mua thực phẩm bằng cách xem kỹ các thông tin trên bao bì, người mua nay háo hức chờ đợi khoảnh khắc người bán “xé” túi và khám phá món đồ ăn, thức uống bất ngờ bên trong.
Hình thức “xé túi mù” thực phẩm đơn giản nhưng lại dễ gây nghiện. Người chơi chỉ cần liên hệ qua Zalo, Facebook, chuyển khoản số tiền theo bảng giá do người bán cung cấp và chờ đến lượt trong các buổi livestream. Tại đây, người bán sẽ trực tiếp mở từng túi mù theo đơn hàng đã đặt, mang lại cảm giác hồi hộp và phấn khích.
Ngoài ra, các loại thực phẩm được bán theo dạng “combo” với mức giá rất rẻ. Nếu may mắn, người mua có thể trúng số lượng túi mù lớn, giúp giá thực phẩm tính ra rẻ hơn rất nhiều so với mua thông thường. Các túi mù thực phẩm thường được phân loại theo màu sắc bao bì hoặc được gói kèm hình dán thể hiện các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng... Nếu mở các gói liên tiếp cùng màu sắc, người mua sẽ nhận thêm phần thưởng là một sản phẩm nữa. Hoặc người mua có thể chọn trước một màu sắc gọi là “nguyện vọng”; nếu trúng màu sắc này, họ cũng sẽ được thưởng thêm một túi mù.
Từ đó, ngày càng nhiều bạn trẻ “nghiện” mua túi mù thực phẩm để sử dụng. Nguyễn Văn Hà, một sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, chia sẻ: “Ban đầu em thấy việc xé các loại túi mù trúng đồ chơi khá vô bổ, phí tiền nên không tham gia. Tuy nhiên, khi túi mù chuyển sang các loại thực phẩm, em rất tò mò và háo hức, vì đây là những món ăn, đồ uống hữu dụng hơn. Có lần em mua 15 cốc mì ly theo dạng “túi mù” nhưng lại trúng tới 45 cốc mì ly, đủ ăn uống thoải mái cả tháng. Như vậy tính ra rẻ hơn rất nhiều so với mua ngoài cửa hàng hay siêu thị. Tuy nhiên, một lần khác em mua “combo” giá 150.000 đồng gồm các loại bánh kẹo và thực phẩm đóng gói sẵn. Mặc dù số lượng nhận được khá nhiều, nhưng khi bóc hàng, em thực sự hãi hùng và không dám ăn bởi hầu hết thực phẩm không có phụ đề, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi nhận hàng, một số sản phẩm đã có dấu hiệu chảy nước, còn một số loại chân gà, bim bim đóng gói sẵn thì bốc mùi lạ”.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Các loại thực phẩm đóng gói sẵn, ăn liền ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến trong thực đơn của người tiêu dùng, từ đó trò chơi xé túi mù thực phẩm thu hút được đông đảo người mua. Nếu như việc xé túi mù các loại đồ chơi thường mang lại cảm giác vô bổ, phí tiền, thì nhiều khách hàng lại ưa chuộng hình thức mua thực phẩm dạng “túi mù” với tâm lý có thể sử dụng được và giá cả “hời” hơn.
Việc đóng gói thực phẩm theo dạng túi mù là một chiến lược khuyến mãi nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm lại ở trạng thái “mập mờ”. Theo quan sát, nhiều cửa hàng đã bán các loại bánh kẹo, bim bim, bánh ngọt, mì tôm... nhập khẩu từ Trung Quốc để tạo sự “mới lạ”, thu hút đông người chơi hơn. Tuy nhiên, khi mua theo hình thức “túi mù” và nhận hàng qua kênh online, nhiều người tiêu dùng mới phát hiện thực phẩm đóng gói có dấu hiệu “cận date” (sắp hết hạn sử dụng), không có bao bì phụ đề tiếng Việt, hoặc là hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nhiều mặt hàng vốn “ế ẩm”, ăn không ngon, bao bì phồng rộp, có dấu hiệu hư hỏng cũng được “đẩy” đi dưới dạng “túi mù”. Điều này khiến không ít người lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đưa ra khuyến cáo, với các sản phẩm đóng gói sẵn, người tiêu dùng cần phải quan sát rất kỹ thông tin trên bao bì. Mọi người khi mua thực phẩm loại này thì chỉ chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Ngoài ra, bao bì sản phẩm phải có đầy đủ các nội dung về nhãn theo quy định như tên sản phẩm, thông tin nơi sản xuất, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, định lượng, thành phần hoặc tỉ lệ thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo...
Cũng theo quy định hiện hành về thực phẩm đóng gói sẵn, các sản phẩm nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định. Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn, sử dụng thực phẩm có dấu hiệu phồng hộp, hết hạn sử dụng hoặc có biểu hiện hư, hỏng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên ưu tiên mua thực phẩm tại các cửa hàng quen thuộc, có đầy đủ điều kiện kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có trang thiết bị bảo quản phù hợp với từng loại mặt hàng...
Chính vì vậy, việc mua thực phẩm dạng “túi mù” trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Dù có mức giá rẻ và kèm theo nhiều hình thức trúng thưởng hấp dẫn, người tiêu dùng vẫn nên thận trọng và “nói không” với các sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là khi được bán theo hình thức mập mờ, thiếu kiểm soát như “túi mù”.