Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhận diện chiêu bài lợi dụng “khoảng lặng” để xuyên tạc

Minh Nguyệt 16/07/2025 07:12

Gần đây, trên mạng xã hội, các đối tượng thù địch tiếp tục tung ra những luận điệu xuyên tạc hòng phủ nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng và Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng.

Chúng rêu rao rằng, các vụ án lớn đều “chìm xuồng”, chỉ có cán bộ cấp thấp bị xử lý “kiểu thí tốt”, còn những “cá lớn” thì vẫn ung dung tự tại. Đây là những cáo buộc vô căn cứ, mang động cơ xấu, hòng gieo rắc hoài nghi, làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

bach-mai.jpg
Các thế lực thù địch lợi dụng “khoảng lặng” vụ án lãng phí liên quan đến xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và lu loa vụ án đã “chìm xuồng” rồi quy kết từ trước đến nay cơ quan điều tra đều như vậy.

1. Đây là chiêu bài cũ của chúng nhưng không phải ai cũng nhận ra. Chúng thường lợi dụng “khoảng lặng” truyền thông từ khi vụ việc được phát hiện đến trước khi vụ án được khởi tố, tiếp đó là quá trình điều tra, củng cố hồ sơ, đến khi vụ án được đưa ra xét xử.

Mới đây nhất là vụ án lãng phí liên quan đến xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2. Sau kết luận thanh tra về các vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu, có dấu hiệu gây lãng phí hơn 1.250 tỷ đồng, cơ quan có thẩm quyền không thể khởi tố ngay, mà theo quy định pháp luật, phải có thời gian để củng cố hồ sơ, chứng cứ theo quy định, trước khi đi đến quyết định khởi tố. Điều tưởng chừng ai cũng hiểu đó, lại bị các thế lực thù địch, phản động như Việt Tân và một số trang mạng “chân rết” của chúng cố tình lờ đi. Chúng lu loa rằng, vụ án đã "chìm xuồng"; rồi quy kết từ trước đến nay đều như vậy. Những kiểu xuyên tạc trơ trẽn, cố tình bôi đen như thế, với những người hiểu rõ tình hình đều thấy như một trò cười, nhưng vẫn có thể đánh lừa được không ít người còn mơ hồ, thiếu thông tin, thành kiến...

Không khó để “bẻ gãy” những luận điệu xuyên tạc này bởi ngay cái gọi là “các vụ án lớn đều chìm xuồng” đã hoàn toàn đi ngược lại với thực tiễn. Hàng loạt đại án kinh tế, tham nhũng được dư luận quan tâm trong thời gian qua đã được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh, bất kể đối tượng là ai, giữ chức vụ gì. Từ những vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Xây dựng đến các vụ án gần đây như Việt Á, chuyến bay giải cứu, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm Việt Nam... tất cả đều cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng với phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Không có vụ án nào “chìm xuồng”. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng luôn được tiến hành một cách thận trọng, khách quan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Một vụ án lớn, phức tạp, thường liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, đòi hỏi thời gian để thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Việc kéo dài thời gian điều tra, xét xử một số vụ án không phải là “chìm xuồng”, mà là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng của các cơ quan tố tụng.

Luận điệu “chỉ có cán bộ cấp thấp bị xử lý kiểu thí tốt” lại càng phi lý và trơ trẽn hơn. Những cán bộ bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam trong các vụ án tham nhũng vừa qua đã cho thấy sự thật này. Đó không chỉ là những cán bộ cấp thấp, mà có cả những cán bộ cấp cao.

Việc gọi đó là “thí tốt” là sự bịa đặt trắng trợn đối với công lý và những nỗ lực của các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Những cán bộ vi phạm bị xử lý là do họ đã làm sai, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước và nhân dân. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, không phải là “vật thế mạng” hay “quân cờ” trong một ván cờ chính trị nào đó. Mọi đối tượng đều được đối xử công bằng trước pháp luật; sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý đúng người, đúng tội; không để xảy ra oan sai, cũng không bỏ lọt tội phạm.

Những luận điệu xuyên tạc đã nêu không có mục đích gì khác ngoài sự thù địch, chống phá, âm mưu nhằm làm suy yếu niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Chúng ta càng cần phải tỉnh táo, cẩn trọng khi tiếp xúc với thông tin như vậy, bởi ngoài những thế lực xấu đã lộ rõ bản chất, còn không ít kẻ tung tin giả, bóp méo sự thật thường núp dưới vỏ bọc “phản biện xã hội”, “quan tâm đến công cuộc chống tham nhũng”. Những kẻ này gây nhiễu loạn thông tin, tạo ra sự nghi ngờ, bức xúc nhằm ngấm ngầm thay đổi niềm tin xã hội.

2. Trên thực tế, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong những năm gần đây đã được triển khai một cách đồng bộ và bài bản, đạt được những kết quả rất toàn diện.

Trong đó, hệ thống pháp luật ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đấu tranh này. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi; các nghị định, thông tư liên quan đã được ban hành, khắc phục những kẽ hở, chồng chéo, nâng cao hiệu quả phòng ngừa và xử lý tham nhũng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành một cách quyết liệt, không khoan nhượng. Nhiều vụ án lớn, phức tạp, liên quan đến các cán bộ cấp cao đã được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, thu hồi được khối lượng tài sản lớn về cho Nhà nước. Điều này còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần đẩy lùi tham nhũng. Trong hai nhiệm kỳ gần đây, hàng nghìn vụ án lớn nhỏ, hàng chục nghìn bị cáo liên quan đến tham nhũng, kinh tế đã được đưa ra xét xử. Đặc biệt, có nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu, bị xử lý hình sự, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường. Các cơ quan chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như: Tài chính ngân sách, quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản..., từ đó phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được gắn kết chặt chẽ với phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, bất kể đó là ai, đã khẳng định tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh. Báo chí cả nước đã tích cực phanh phui các vụ việc, những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đưa tin, phản ánh khách quan về các vụ việc, vụ án tham nhũng, giúp dư luận hiểu rõ hơn về tính chất, mức độ của tham nhũng và những nỗ lực của Đảng, Nhà nước.

Có thể nói, Đảng, Nhà nước đã huy động được sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng; đưa công tác này trở thành xu hướng, thành dòng chảy xuyên suốt, nơi không ai có thể đứng ngoài cuộc, không ai có thể đi ngược xu thế. Với việc mở rộng thêm nội hàm phòng, chống lãng phí, tiêu cực, công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay càng trở nên bao trùm và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

3. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, phức tạp, lâu dài và không kém phần quyết liệt. Nó không chỉ đơn thuần là xử lý các cá nhân sai phạm, mà còn là quá trình làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, các cấp ủy tổ chức Đảng phải rất quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cần phải đổi mới hơn nữa cả hình thức và nội dung tuyên truyền, nhất là thông tin về quá trình xử lý đối với từng vụ việc. Những “khoảng lặng” thông tin liên quan đến các vụ án, vụ việc cần được thay thế bằng các thông tin thường xuyên cập nhật, diễn biến quá trình điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố, xét xử để người dân nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin, qua đó củng cố và gia tăng niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng. Đó cũng chính là cách đi trước, mở đường ngăn chặn từ sớm, từ xa những luận điệu xuyên tạc xấu xa của các thế lực thù địch.

Hơn hết, các cấp, các ngành từ Trung ương xuống cơ sở cần tiếp tục kiên định, kiên quyết thực hiện đồng bộ các biện pháp với ý chí quyết tâm cao nhất nhằm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quá trình giải quyết mỗi vụ án, vụ việc cần phải bảo đảm công tâm, khách quan, “đến nơi, đến chốn”. Chỉ có như vậy, niềm tin của nhân dân mới được củng cố, tạo thành tấm khiên vững chắc bảo vệ trước mọi mũi tên độc hại của những thế lực thù địch, phản động.