Đời sống

Lo lợn bệnh “lọt” vào bữa cơm: Người dân dè chừng, tiểu thương lao đao

Thu Trang 15/07/2025 - 16:33

Những ngày qua, nhiều địa phương liên tiếp phát hiện thịt lợn nhiễm vi rút dịch tả châu Phi (ASF) bị tuồn ra thị trường, len lỏi vào chợ dân sinh, quán cơm, nhà hàng… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng cho sự an toàn của bữa ăn hằng ngày. Trong khi đó, không ít tiểu thương kinh doanh chân chính bị “vạ lây” khi niềm tin của khách hàng lung lay.

lon-benh-1.jpg
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều thịt lợn nhiễm bệnh tiêu thụ tại chợ. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Người tiêu dùng biết tin ai?

Theo thống kê từ Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đầu năm đến nay, khu vực phía Bắc đã ghi nhận 386 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 15 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Tổng số lợn bị mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy lên tới hơn 22.000 con. Thời điểm hiện tại, vẫn còn 212 ổ dịch chưa qua 21 ngày, đồng nghĩa với việc dịch vẫn đang tiếp tục lây lan và chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là nhiều đối tượng vẫn bất chấp pháp luật, thu mua lợn chết, lợn bệnh với giá rẻ rồi giết mổ, vận chuyển, phân phối thịt ra thị trường với số lượng lớn. Gần đây, hàng loạt vụ việc phát hiện thịt lợn nhiễm ASF xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, Phú Thọ, Sơn La… đã khiến dư luận hoang mang, lo lắng.

lon-benh-3.jpg
Lợn nhiễm bệnh được pha chế để mang đi tiêu thụ. Ảnh: C.P

Cụ thể, chỉ trong ba ngày từ 9-7 đến 12-7-2025, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ đã phát hiện ba vụ vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, phần lớn dương tính với vi rút ASF. Đáng chú ý là một vụ việc xe tải chở theo 190 con lợn dương tính với vi rút ASF từ Sơn La về Hà Nội bị bắt giữ, đặt ra câu hỏi về số lượng lợn bệnh đã tuồn vào thị trường mà chưa bị phát hiện.

Trước đó, tại Hà Nội, một cơ sở giết mổ thu gom hơn 4,3 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc đã bị triệt phá, trong đó, nhiều mẫu thịt nhiễm vi rút ASF. Tại chợ Phùng Khoang - một trong những chợ lớn của Hà Nội, gần một tấn thịt không giấy kiểm dịch, có dấu hiệu nhiễm bệnh, không bảo đảm vệ sinh đã bị cơ quan chức năng tịch thu.

Theo điều tra sơ bộ, các đối tượng thường thu mua lợn bệnh với giá chỉ 20.000-35.000 đồng/kg, sau đó giết mổ và bán lại cho các đầu mối với giá 50.000-70.000 đồng/kg. Ước tính, với thủ đoạn này, mỗi tháng, các đối tượng có thể thu về từ 70-80 triệu đồng. Vấn đề ở đây không chỉ là tội ác kinh tế, mà còn là sự coi thường tính mạng của cộng đồng.

Thực trạng này khiến người dân càng thêm hoang mang vào nguồn cung thực phẩm hằng ngày. Chị Đặng Phương Loan, nhân viên văn phòng (ở phường Bồ Đề, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày, chị đều tìm quán ăn trưa gần công ty. Tuy nhiên, gần đây, chị hạn chế lựa chọn các món ăn được chế biến từ thịt lợn vì lo lắng về nguồn gốc thịt được sử dụng.

Anh Lê Hồng Phúc, lái taxi công nghệ cũng bày tỏ lo ngại về các quán cơm bình dân giá rẻ dành cho người lao động. “Những quán này có nguy cơ mua thịt rẻ, thậm chí thịt không bảo đảm chất lượng, có thể gây ngộ độc hoặc nhiễm bệnh. Việc bị ngộ độc hay nhiễm bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người nhiễm, mà còn làm mất nguồn thu nhập hằng ngày”, anh Lê Hồng Phúc nói.

Bên cạnh nỗi lo của người tiêu dùng, nhiều tiểu thương bán thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng gặp khó khăn do dịch ASF và sự hoang mang của khách hàng. Chị Nguyên, tiểu thương chợ Ngọc Lâm cho biết, trước đây, mỗi ngày chị bán được khoảng 80kg thịt lợn, thế nhưng, giờ giảm gần một nửa. Khách hỏi nhiều về nguồn gốc thịt và rất ngại mua.

“Có hôm, tôi phải mang về hàng chục cân thịt lợn ế và chuyển cho quán cơm với giá rẻ, trong khi giá lợn hơi mua vào lại cao khiến tiểu thương chúng tôi rất khó khăn”, chị Nguyên than phiền.

Nhiều tiểu thương khác cũng cho biết, dù đã cố gắng nhập thịt từ các cơ sở có giấy kiểm dịch đầy đủ, nhưng khách vẫn nghi ngại khiến việc kinh doanh bấp bênh. Chị Thắm, tiểu thương tại chợ Phùng Khoang kể, hai mẹ con chị đã bán thịt lợn ở đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng phát hiện lợn nhiễm bệnh, không bảo đảm vệ sinh tại chợ, hoạt động kinh doanh của nhiều hộ buôn bán chân chính bị ảnh hưởng nặng nề.

“Người mua tỏ ra nghi ngại, liên tục dò xét và hỏi rất kỹ về nguồn gốc thịt. Dù chúng tôi luôn nhập hàng đảm bảo, nhưng tâm lý e dè khiến việc buôn bán trở nên khó khăn hơn nhiều”, chị Thắm chia sẻ.

Đừng để người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình

Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút ASF gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh với tỷ lệ lợn chết cao, lên đến 100%.

Các chuyên gia y tế cho rằng, mặc dù vi rút ASF không gây bệnh cho người, song thịt nhiễm ASF lại là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn nguy hiểm khác sinh sôi, như: Salmonella, E.coli, liên cầu khuẩn từ lợn, ký sinh trùng và các loại độc tố nguy hiểm.

kiem-tra-thit-lon-2.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thịt tại một siêu thị trên địa bàn thành phố. Ảnh: Thu Trang

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, lợn mắc ASF rất dễ đồng nhiễm các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn. Đáng chú ý, ngay cả khi thịt được nấu chín ở 100°C, các độc tố vẫn còn tồn tại. Khi người tiêu dùng ăn phải, có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như tiêu chảy, nôn mửa, sốc nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết thêm, nếu tiếp xúc với thịt lợn nhiễm bệnh qua vết thương hở, người dân có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn, dẫn đến viêm màng não hoặc sốc nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã khẩn trương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, xử lý nghiêm các ổ dịch, đồng thời kiểm soát và siết chặt việc vận chuyển, giết mổ và phân phối thịt lợn ra thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt thịt sạch - bẩn và nguồn gốc sản phẩm trên thị trường.

Đáng lo ngại, xúc xích và giò chả là những sản phẩm dễ bị “phù phép” từ lợn nhiễm bệnh nhất do quy trình chế biến có thể che giấu nguồn gốc nguyên liệu. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng không thể chỉ gói gọn trong việc khuyến cáo “chọn mua cẩn thận”.

Khi thực phẩm qua chế biến trở thành “vùng tối” che giấu nguồn gốc, người dân không thể lúc nào cũng phải tự mình thông thái để tự bảo vệ sức khỏe. Trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan quản lý, cần siết chặt kiểm soát từ khâu đầu vào, lò mổ, cơ sở chế biến cho đến chợ, đồng thời, áp dụng rộng rãi công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi vi phạm. Một hệ thống giám sát hiệu quả không chỉ phát hiện sau sự việc, mà phải ngăn chặn ngay từ đầu, nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.