Kinh tế

Sản xuất công nghiệp bứt tốc: Sẵn sàng vượt qua thách thức

Lam Giang 13/07/2025 - 06:44

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020, tiếp tục bứt tốc, tạo động lực cho tăng trưởng.

Dù vậy nửa cuối năm còn nhiều thách thức, khó khăn đang đặt ra, đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục có nhiều nỗ lực mới, sẵn sàng vượt qua.

Chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất 5 năm

Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu của ngành Dệt may đạt khoảng 21,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy ngành Dệt may đang phục hồi năng lực sản xuất và thích ứng linh hoạt với thị hiếu thị trường. Đến nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu sang 132 thị trường, trong đó Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản là các thị trường trọng điểm. Thị trường Mỹ giữ vai trò số một khi đạt gần 7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Lê Tiến Trường cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may thuộc tập đoàn đang có tốc độ tăng trưởng khoảng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ trọng tăng trưởng khá tốt vào thị trường Mỹ”.

may.jpg
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Cùng với ngành Dệt may, 6 tháng qua các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%). Đây được đánh giá là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.

Báo cáo của Cục Thống kê cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như ô tô tăng 70,2%; ti vi tăng 21,9%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,9%; khí hóa lỏng LPG tăng 16,9%; quần áo mặc thường tăng 14,9%; xi măng tăng 14,8%; giày, dép da tăng 14,3%; thép thanh, thép góc tăng 13,9%...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang phục hồi tích cực, bất chấp bối cảnh toàn cầu biến động. Nguyên nhân trước hết đến từ chuỗi cung ứng ngày càng ổn định và mở rộng, phản ánh sự đầu tư đúng hướng của doanh nghiệp, bắt đúng tín hiệu thị trường trong và ngoài nước. Các ngành chế biến, chế tạo ghi nhận khả năng cạnh tranh cao hơn nhờ chuyển đổi xanh, số hóa và thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, sự suy giảm đơn hàng tại các đối thủ cạnh tranh tạo cơ hội để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, các chính sách kích thích sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ như cắt giảm lãi suất, giảm thuế VAT, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các chính sách phát triển kinh tế tư nhân hay đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo… đang phát huy tác dụng trong thực tế sản xuất kinh doanh.

Nỗ lực giữ đà tăng trưởng

Sản xuất công nghiệp bứt tốc là một trong số những động lực chính đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước 6 tháng qua ở mức 7,52%, mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2011-2025. Đây là nền tảng để nửa cuối năm 2025 sản xuất công nghiệp cả nước tiếp tục vươn mạnh, đạt tăng trưởng cao hơn nữa, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế đạt mức 8% như mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia, cuối năm là thời điểm sản xuất tăng mạnh do nhu cầu thị trường thường cao hơn nửa đầu năm, đặc biệt là quý cuối của năm. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Dù vậy, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhiều thách thức, rủi ro sẽ tác động tới tăng trưởng ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, thuế đối ứng từ 10 đến 40% mà Mỹ áp dụng vẫn có thể giữ sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam so với các nước khác. Tuy nhiên, chính sách này cũng ảnh hưởng tới một số ngành nghề, lĩnh vực có mức độ nội địa hóa nguyên phụ liệu thấp.

Để thích ứng với mức thuế mới, doanh nghiệp cần tái cơ cấu chuỗi cung ứng để giảm tỷ lệ hàm lượng nguyên phụ liệu nước ngoài, từ đó giảm mức thuế, đồng thời rà soát và giảm thiểu các chi phí để cân bằng lợi nhuận với mức thuế mới. Các doanh nghiệp cũng nên thương lượng với đối tác nhập khẩu Mỹ để chia sẻ một phần rủi ro. Về lâu dài, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, không chỉ phụ thuộc vào Mỹ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng cảnh báo, việc Mỹ áp thuế đối ứng có thể khiến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng, kéo theo sức mua giảm và tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Trước tình hình này, doanh nghiệp cần tối ưu cơ cấu sản xuất, tiết kiệm chi phí, phát triển mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng và chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi, ASEAN và cả Trung Quốc để bù đắp sự sụt giảm từ các thị trường truyền thống.

Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh đàm phán thương mại với Mỹ nhằm đạt được các hiệp định tự do thương mại với mức thuế ưu đãi. Ngoài ra, để hàng hóa của Việt Nam đủ điều kiện hưởng mức thuế 10% vào Mỹ, cần thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy liên doanh sử dụng nguyên vật liệu và lao động trong nước, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung từ các nước có FTA với Việt Nam như ASEAN, Hàn Quốc.