Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn:Nỗ lực thực hiện mục tiêu xuất khẩu tăng 12% năm 2025
Xuất khẩu 6 tháng qua tăng 14,4%, vượt chỉ tiêu đề ra, với nhiều thị trường tăng trưởng ấn tượng, nhiều ngành hàng bứt tốc, cho thấy nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Trong nửa cuối năm 2025, thách thức đặt ra không ít, do đó cần nỗ lực nhiều mặt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm là 12%. Xung quanh nội dung này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn.

Xuất khẩu vượt chỉ tiêu đề ra
- Những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hàng hóa đã đạt kết quả rất tích cực. Vậy, những nhóm ngành, mặt hàng nào đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng này và đâu là những động lực chính, thưa ông?
- Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận kết quả hết sức khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Trung bình mỗi tháng đạt 36,6 tỷ USD; riêng tháng 5 và tháng 6 đều vượt 39,5 tỷ USD.
Trong đó, nhóm hàng nông, thủy sản tăng trưởng tích cực, ước đạt mức tăng 16,4%; riêng thủy sản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15,9%. Các mặt hàng công nghiệp chủ lực tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt, như: Dệt may ước đạt 18,7 tỷ USD, tăng 12,3%; giày dép đạt 11,9 tỷ USD, tăng 10,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 47,7 tỷ USD, tăng 39,9%.
Kết quả tích cực này đến từ nhiều động lực quan trọng, như chính sách vĩ mô linh hoạt, hỗ trợ tín dụng, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và thúc đẩy kinh tế tư nhân. Vai trò điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương giúp khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước phục vụ sản xuất - xuất khẩu. Doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, với xuất khẩu sang EU tăng 12%, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trên 10,6%.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 27,4%, đạt trên 57 tỷ USD. Thị trường tiềm năng như châu Phi tăng tới 36,5%; riêng Algeria, Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal tăng từ 116% đến 200%. Một số mặt hàng mới như đồ chơi, dụng cụ thể thao và linh kiện tăng 103%, đạt 3,3 tỷ USD.
- Tuy vẫn duy trì xuất siêu, nhưng mức xuất siêu 6 tháng qua giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ông đánh giá cán cân thương mại hiện nay như thế nào?
- 6 tháng đầu năm 2025 ước xuất siêu 7,6 tỷ USD. Con số này thấp hơn mức 12,6 tỷ USD cùng kỳ của năm trước. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, xuất khẩu đều có phục hồi, đồng thời doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đều có tăng trưởng tích cực, do đó cán cân thương mại ở mức vừa phải. Điều này có thể vừa góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định chính sách tiền tệ, vừa góp phần vào sự phát triển xuất, nhập khẩu bền vững trong trung và dài hạn.
- Ngoài thị trường Mỹ, xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do - FTA như Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... thời gian qua có những điểm gì nổi bật, thưa ông?
- Theo Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 70,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, với kim ngạch đạt 29,1 tỷ USD, tăng 4,2%; EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta, với kim ngạch đạt 27,3 tỷ USD, tăng 10%.
Xuất khẩu sang các đối tác FTA khác như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu sang Hàn Quốc qua 6 tháng đạt 13,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ; sang Nhật Bản đạt 12,8 tỷ USD, tăng 11,8%.
Nhìn chung xuất khẩu sang các thị trường này đều có những tín hiệu tích cực trong 6 tháng qua.

Đa dạng giải pháp duy trì kim ngạch xuất nhập khẩu
- Từ nay đến cuối năm 2025, dự báo xu hướng xuất khẩu sẽ diễn biến ra sao và Cục có những khuyến nghị cụ thể nào để doanh nghiệp giữ vững tăng trưởng xuất khẩu?
- Trong những tháng cuối năm 2025, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường có thể tiếp tục tác động đến kinh tế toàn cầu, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, khó đoán định, chịu nhiều tác động do chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Tình hình xung đột tại khu vực Trung Đông làm giá dầu, giá năng lượng tăng; vận tải các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, logistics, thương mại thế giới bị ảnh hưởng; nguy cơ gia tăng lạm phát…, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Kết quả đàm phán với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại hướng tới quan hệ thương mại bền vững, cùng mức thuế Hoa Kỳ áp cho Việt Nam và các nước cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến diễn biến hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, với quyết tâm mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao nhất, toàn bộ hệ thống chính trị đang đồng lòng, kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025 và tập trung triển khai “Bộ tứ trụ cột” nhằm tạo động lực mới hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo, Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% đã được đề ra từ đầu năm. Do đó, doanh nghiệp cần nắm vững quy định và chính sách thương mại, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại từ các đối tác.
Đặc biệt, việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan và giảm thiểu rủi ro pháp lý. Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, khai thác các thị trường tiềm năng mới và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để phù hợp với nhu cầu và quy định của từng thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng chuyển đổi số, cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn, và môi trường, qua đó tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật mà còn gia tăng giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cần trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại, hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý để tăng cường năng lực ứng phó với tranh chấp thương mại và bảo vệ quyền lợi khi đối mặt với các vụ việc liên quan đến điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, hoặc tự vệ từ các đối tác thương mại.
- Với bối cảnh thế giới nhiều bất định, Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu có định hướng gì để hỗ trợ doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm?
- Trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, như: Tập trung mở rộng thị trường, thông qua việc nghiên cứu, đàm phán và ký kết hợp tác với các thị trường mới, đặc biệt với Hoa Kỳ, theo hướng công bằng và đối ứng; khai thác hiệu quả các thị trường chiến lược và FTA hiện có. Bên cạnh đó, Bộ chủ động theo dõi tình hình thế giới, kịp thời tham mưu chính sách, cảnh báo sớm rủi ro cho doanh nghiệp và ngành hàng.
Bộ cũng thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển logistics nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Bộ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai phân cấp, phân quyền hiệu quả, theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tích cực triển khai, hỗ trợ tỉnh, thành, sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (CO). Ngoài ra, Bộ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng phó kịp thời với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương cũng chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kỹ năng marketing, phát triển sản phẩm phù hợp từng thị trường. Việc phát triển thị trường nội địa cũng được đẩy mạnh thông qua tiêu dùng trong nước và thương mại điện tử. Đặc biệt, Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Thương mại điện tử - được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy xuất khẩu trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
- Trân trọng cảm ơn ông!