Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ của Trung Quốc được công nhận là Di sản thế giới
Quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ đã được công nhận là Di sản thế giới, nâng tổng số di tích của Trung Quốc trong danh sách này lên con số 60.

Được mệnh danh là “Kim tự tháp phương Đông”, quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ nằm ở chân đồi phía Đông của dãy núi Hạ Lan thuộc Ngân Xuyên, khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc.
Là quần thể lăng mộ hoàng gia của triều đại Tây Hạ (1038-1227), một chế độ lịch sử quan trọng do người Đảng Hạng sáng lập, lăng mộ Tây Hạ là di tích khảo cổ lớn nhất, được xếp hạng cao nhất và còn nguyên vẹn nhất từ thời Tây Hạ vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
9 lăng mộ hoàng gia, 271 lăng mộ phụ cùng 1 quần thể di tích kiến trúc trọng điểm rộng 5,03ha, 32 công trình kiểm soát lũ lụt, cùng hơn 7.100 cấu kiện kiến trúc và hiện vật tinh xảo đã được phát hiện tại di tích này, theo nhà khảo cổ học Vương Trường Phong.
“Những phát hiện này đã mang lại nhiều hiểu biết quý giá về kỹ thuật, nghệ thuật và thành tựu văn hóa tinh xảo của triều đại Tây Hạ”, ông Vương Trường Phong đánh giá.
Một tài liệu của Cục Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc cho thấy, giá trị phổ quát nổi bật của quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ nằm ở sự giao thoa đa sắc tộc và tương tác đa văn hóa trong khu vực nông nghiệp, chăn nuôi đan xen ở Tây Bắc Trung Quốc từ thế kỷ XI đến XIII.
Lăng mộ giữ được tính xác thực và toàn vẹn cho đến ngày nay, là minh chứng độc đáo cho mô hình “đa nguyên và hội nhập” của nền văn minh Trung Quốc, cũng như quá trình hình thành một nhà nước đa sắc tộc thống nhất. Do đó, di tích này giữ một vị trí quan trọng và không thể thay thế trong lịch sử văn minh thế giới.
Theo Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), di tích này là minh chứng cho sự giao thoa và tương tác văn hóa của nhiều truyền thống đa dạng, đồng thời là minh chứng cho vai trò độc đáo của triều đại Tây Hạ trong giao lưu văn hóa và thương mại dọc Con đường Tơ lụa từ thế kỷ XI đến XIII.
Ủy ban đánh giá cao những nỗ lực, cũng như thành tựu mà Chính phủ Trung Quốc đã đạt được trong bảo vệ và quản lý quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ. Trung Quốc cũng khẳng định sẽ kiên định thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước Di sản thế giới, tăng cường hơn nữa việc bảo vệ toàn diện, có hệ thống đối với di sản văn hóa và thiên nhiên, đồng thời cải thiện năng lực và tiêu chuẩn bảo tồn.
Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra từ ngày 6 đến 16-7 tại thành phố Paris (Pháp), với 30 di sản được đề xuất đưa vào Danh sách Di sản thế giới, bao gồm quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ của Trung Quốc.
30 di sản được đề cử gồm 24 di sản văn hóa, 5 di sản thiên nhiên, cùng 1 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên. Quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ đã được đề cử là di sản văn hóa và là di sản duy nhất của Trung Quốc được đề cử trong kỳ họp năm nay.
Theo Tân Hoa xã, Thời báo Hoàn cầu