Rõ vai trò "gác cổng"
Việc Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá thành công đường dây chuyên cung cấp thịt lợn bệnh trên địa bàn Thủ đô đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đặt ra câu hỏi cấp bách về công tác quản lý.
Kết quả điều tra cho thấy, lợi dụng sự sơ hở trong quản lý, đặc biệt là vào ban đêm, các đối tượng đã tổ chức giết mổ, buôn bán thịt lợn bệnh với giá rẻ mạt, sau đó tuồn ra thị trường, cung cấp cho các chợ đầu mối, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. Quy mô của đường dây này cho thấy cách tổ chức tinh vi, khép kín, có sự phân công cảnh giới chặt chẽ, bất chấp pháp luật và đạo đức.
Đáng nói là cơ quan chức năng đã phát hiện trong thịt lợn bệnh được các đối tượng tiêu thụ có mẫu nhiễm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASFV).
Được biết, đường dây giết mổ và tiêu thụ thịt lợn bệnh đã bắt đầu mua gom lợn ốm, yếu từ năm 2023 đến nay rồi tổ chức giết mổ tại khuôn viên nhà ở. Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn, sau đó bán ra thị trường với giá khoảng 60.000 đồng/kg.
Những con số có lẽ khiến ai cũng phải sửng sốt và tự hỏi, liệu mâm cơm gia đình mình đã từng có loại thực phẩm mà những đối tượng này phát tán hay không?
Virus gây dịch tả lợn châu Phi mặc dù không lây sang người, nhưng việc tiêu thụ thịt từ lợn mắc bệnh là cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, thịt lợn ốm, yếu có thể chứa nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng, hoặc tồn dư thuốc kháng sinh, hóa chất dùng để chữa bệnh, gây ngộ độc cấp tính hoặc các bệnh đường ruột, thậm chí là các bệnh mạn tính nguy hiểm.
Việc đường dây này hình thành và tồn tại lâu như vậy đặt ra câu hỏi về lương tâm và trách nhiệm của 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất là những đối tượng trong đường dây (và cả người chăn nuôi khi phát hiện lợn bệnh vẫn cố tình bán ra thị trường) - họ vì lợi nhuận mà bất chấp, là những người gây tội ác đối với cộng đồng. Thứ hai là các cơ quan quản lý hữu trách. Việc để một cơ sở hoạt động không phép với quy mô lớn suốt nhiều năm qua chính là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Trên thực tế thì những vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện mới chỉ như "phần nổi của tảng băng chìm". Người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với một "ma trận" thực phẩm "bẩn". Nỗi lo lắng "ăn gì để không bị bệnh" vẫn thường trực hằng ngày trong mỗi gia đình... Bởi thế, đã đến lúc cần có sự thay đổi quyết liệt, toàn diện và triệt để đối với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm cả tổ chức, con người, cơ chế giám sát và chế tài xử lý.
Vụ việc này cùng với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng khác như sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, bánh kẹo giả, xúc xích kém chất lượng... được phát hiện thời gian gần đây còn cho thấy tình trạng suy đồi văn hóa, đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân và doanh nghiệp, gọi cho đúng là những kẻ táng tận lương tâm đã bất chấp sự an nguy của cộng đồng để thu lợi bất chính.
Do vậy, bên cạnh việc đẩy nhanh công tác xây dựng, hoàn thiện Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), với những chế tài mạnh đủ sức răn đe, tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức xã hội và đưa vào trong các chương trình, kế hoạch hành động, tạo ra phong trào, xu hướng trong cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm.
Có thể thấy, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn còn rất cam go. Và để đảm bảo một nền tảng sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân, các cơ quan chức năng phải khẩn trương hành động, thể hiện rõ vai trò "người gác cổng" bằng những biện pháp quyết liệt, không khoan nhượng. Chỉ như vậy, niềm tin vào "bữa ăn sạch" trong nhân dân mới thực sự được củng cố và xã hội mới có thể phát triển bền vững, văn minh.