Xóa cầu yếu, cầu tạm, thay thế cầu cũ:Vấn đề cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn giao thông
Những năm qua, nhiều tuyến đường nội đô của thành phố Hà Nội đã được cải tạo, mở rộng nhưng nhiều cây cầu trên các tuyến đường ấy lại chưa được nâng cấp đồng bộ.
Sửa chữa cải tạo cầu yếu, cầu tạm hoặc đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ là vấn đề cấp thiết nhằm bảo đảm cho các phương tiện lưu thông an toàn.

Nhiều cây cầu xuống cấp
Bắc qua sông Kim Ngưu có nhiều cây cầu được xây dựng đã lâu. Cầu dân sinh 473 phố Kim Ngưu được xây dựng từ trước năm 1990, trải qua thời gian, trụ cầu bằng gạch đã bong lớp vữa trát bên ngoài, dầm thép, lan can bị han rỉ, mặt cầu bê tông đúc sẵn có đoạn hư hỏng phải hàn lát tấm thép lên trên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tương tự, cầu dân sinh 535 phố Kim Ngưu có trụ cầu và dầm thép đã cũ, ố vàng, mặt cầu nhỏ hẹp. Hai cầu này hiện chỉ dành cho người đi bộ. Trong khi đó cầu Kim Ngưu S8 có chiều rộng 3,9m, mặt cầu là các tấm thép đã bị mòn, có dấu hiệu xuống cấp, còn cầu KU2 lan can rỉ sét, gãy hỏng. Bà Phạm Thị Nguyên (phường Bạch Mai) chia sẻ: “Nhiều cây cầu ở khu vực này đều đã cũ, xuống cấp, chúng tôi đi qua mà cảm thấy không yên tâm. Đáng nói có cầu chỉ dành cho người đi bộ nhưng vẫn có tình trạng xe đạp, xe máy cố tình đi qua khiến cầu càng thêm hư hại”.
Ở khu vực sông Lừ có cầu Định Công được xây dựng dạng cống hộp bê tông cốt thép, không hạn chế tải trọng và hiện không có hư hỏng nghiêm trọng nhưng ngày ngày cây cầu này phải “gánh” một lượng xe qua lại rất đông. Anh Nguyễn Phúc (phường Định Công) cho biết: “Do dân cư ngày một đông đúc, mật độ phương tiện qua lại nhiều, cầu Định Công không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân nên chính quyền đã phải lắp đặt thêm 2 cầu tạm ở hạ lưu và thượng lưu để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân. Tôi cho rằng về lâu dài nơi đây cần một cây cầu mới phù hợp thay thế cả 3 cầu hiện nay”.
Cùng với đó, nhiều cầu trong nội đô thành phố hiện không còn phù hợp với quy mô tuyến đường như cầu Xuân Đỉnh, cầu Trại Gà, cầu Hai Cây. Do chiều rộng của những cây cầu này nhỏ hơn chiều rộng của đường ở hai đầu cầu trong khi mật độ giao thông qua lại cầu khá lớn, dẫn đến tình trạng “thắt cổ chai”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu. Một số cầu khác như cầu Trắng, cầu Lủ, cầu Kim Ngưu tuy có quy mô cầu phù hợp quy mô đường nhưng do mật độ giao thông lớn, những cây cầu này thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Để đáp ứng lưu lượng xe qua lại mỗi ngày, bảo đảm an toàn giao thông, những cây cầu đang xuống cấp này cần được sửa chữa, cải tạo như sơn lại lan can, cào bóc và thảm lại lớp nhựa mặt cầu, chám vá các vị trí bê tông bị vỡ, nứt…
Cần nâng cấp, xây mới cầu yếu
Như Báo Hànộimới đã đưa tin, năm 2024, qua rà soát của Sở Giao thông vận tải Hà Nội (hiện là Sở Xây dựng Hà Nội), trên địa bàn thành phố còn 144 cầu tạm, cầu yếu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đến tháng 6-2025, theo thông tin từ Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 167 công trình cầu yếu, cầu tạm. Đa số các cầu này hiện đều phải hạn chế tải trọng do được xây dựng đã lâu, kết cấu chịu lực xuống cấp, nhiều cầu không đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại. Một số công trình cầu có quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô của tuyến đường, chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng đường đầu cầu khiến tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị thắt hẹp, gián đoạn. Một số công trình cầu khác lại có kết cấu tạm, không bảo đảm an toàn trong khai thác.
Thực tế, các địa phương cũng đã nỗ lực khắc phục, đầu tư hệ thống cầu để bảo đảm thuận tiện, an toàn cho người dân. Trước khi chính quyền 2 cấp tại Hà Nội đi vào hoạt động ngày 1-7, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Văn Trường, chuyên viên Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận Hoàng Mai (cũ) cho biết, mật độ giao thông qua các cầu trên địa bàn quận Hoàng Mai (cũ) tăng lên từng ngày. Cho nên, việc xây dựng các cầu theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu giao thông trên địa bàn là hết sức cần thiết. UBND quận Hoàng Mai (cũ) đã triển khai hai dự án cầu, trong đó có một dự án có hạng mục xây mới 1 cầu bê tông cốt thép qua sông Gạo, thay thế cầu dân sinh đã xuống cấp... Đến nay, khi chính quyền 2 cấp đã đi vào hoạt động, phần việc trên sẽ tiếp tục được phường mới cũng như các đơn vị chức năng liên quan triển khai.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng thông tin thêm, có nhiều hình thức xuống cấp với các cầu trong thành phố. Với các công trình cầu bê tông cốt thép, dạng hư hỏng chủ yếu là hệ thống dầm bị nứt vỡ; hệ thống lớp phủ mặt cầu, lan can bị hư hỏng; các mố, trụ cầu bị nứt vỡ, bong tróc, xói lở dưới móng,… từ đó ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của cầu. Với các công trình cầu thép, nhiều dầm thép và hệ liên kết ngang bị rỉ sét, ở một số cầu bị đứt gãy, rỉ thủng không bảo đảm khả năng liên kết. Một số cầu dàn thép bị xuống cấp nghiêm trọng, han rỉ, bị thủng, cong vênh, kết cấu thép bị ăn mòn, suy giảm khả năng chịu lực.
Hiện Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã rà soát, phân loại các công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn thành phố thành 3 nhóm để từ đó theo dõi, kiểm tra, duy tu định kỳ, yêu cầu sửa chữa, cải tạo hay đề xuất đầu tư xây dựng mới cho phù hợp. Theo đó, có tới 117 công trình được đề xuất đầu tư xây dựng mới, gồm 25 cầu thuộc thành phố quản lý và 92 cầu do địa phương quản lý.