Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn vệ sinh
Sáng 9-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND thành phố Hà Nội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ đại biểu số 30) nêu vụ việc mới nhất khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội bắt 4 đối tượng tuồn thịt lợn bệnh ra thị trường, vào cả nhà hàng, quán cơm, được dư luận quan tâm.

Đại biểu cho biết, qua nghiên cứu báo cáo của thành phố cho thấy, hiện nay, tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát cung cấp ra thị trường khoảng 550 tấnthịt các loại/ngày, tương đương 60% nhu cầu tiêu thụ của thị trường Hà Nội.
“Tình trạng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc bị phát hiện, xử lý còn nhiều. Ngoài 60% sản lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát, với 40% còn lại, việc kiểm soát ra sao và giải pháp của Sở Nông nghiệp và Môi trường như thế nào để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, đại biểu Hưng nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Khánh Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, lượng tiêu thụ thịt lợn hằng ngày trên địa bàn thành phố rất lớn, với khoảng 500 nghìn tấn thịt các loại/năm. Trong đó, số lượng chăn nuôi trên địa bàn thành phố đáp ứng được khoảng 60%; còn lại nhập của các địa phương khác 40% (gồm cả trong và ngoài nước).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng, điều đó không có nghĩa 40% sản lượng này không được kiểm soát. Trên thực tế, thành phố đã ký liên danh liên kết với 43 tỉnh, thành phố (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), trong đó có 27 tỉnh, thành phố thường xuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho Hà Nội.
“Trong 40% lượng thịt nhập từ các địa phương, vẫn còn tình trạng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ”, ông Nguyễn Xuân Đại thừa nhận.
Về giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Sở đang xây dựng các chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có nội dung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo đảm an toàn giết mổ gia súc.
Đồng thời, Sở cũng tham mưu thành phố ban hành các quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm hơn đối với các trường hợp không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như báo chí và phóng sự đã nêu tại phiên chất vấn này.
“Tới đây, các đơn vị liên quan của thành phố sẽ xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát
Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ đại biểu số 28) cho biết, theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố, đến nay có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được phê duyệt và đi vào hoạt động, đạt 40% công suất thiết kế. Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, vẫn còn hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư chưa được kiểm soát.
“Vì sao các cơ sở giết mổ tập trung kém hiệu quả như vậy và kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách đầu tư của thành phố đối với lĩnh vực này ra sao? Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu gì cho thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ các cơ sở giết mổ còn lại và nâng cao công suất của các cơ sở hiện có; giải pháp nào để xử lý dứt điểm các cơ sở giết mổ tự phát hiện nay để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh nêu.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo Quyết định 761, thành phố phê duyệt 29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn. Đến nay, có 5/8 cơ sở giết mổ công nghiệp, trong đó công suất chưa đạt mong muốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cho rằng thành phố Hà Nội có nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ so với quy mô của cả nước (162 nghìn cơ sở), ông Nguyễn Xuân Đại cũng lý giải nguyên nhân vì sao các hộ giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại cũng như giải pháp trong thời gian tới của Sở.
Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh cũng đề nghị đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y làm rõ thông tin trong phóng sự nêu, tại cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở xã Phúc Lộc chưa đóng dấu kiểm dịch vệ sinh thú y trước khi mang ra thị trường bán. “Vậy, hoạt động này trên địa bàn thành phố được triển khai ra sao”, đại biểu nêu.

Trả lời nội dung này, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng thừa nhận, trên thực tế vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ như tại xã Phúc Lộc trong phóng sự nêu cũng như thông tin báo chí nêu.
Theo ông Đảng, việc quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã. Hiện nay, trên địa bàn thành phố mới chỉ có 7/8 cơ sở giết mổ công nghiệp được triển khai; 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được triển khai và còn 571/701 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Đình Đảng thông tin thêm, xã Phúc Lộc đang có 18 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhưng theo quy hoạch chỉ có 1 điểm giết mổ tập trung. “Đây là tồn tại lịch sử nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Vì thế, chính quyền cấp xã cần tập trung quản lý và có chế tài xử lý nghiêm tình trạng này”, ông Đảng nhấn mạnh.
Chưa thỏa đáng với câu trả lời của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh tranh luận thêm về hiệu quả của chính sách đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung thời gian qua. Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị các đơn vị chức năng của thành phố cần nâng cao hiệu quả chính sách này.
Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh cũng cho biết, qua khảo sát của các ban HĐND thành phố cho thấy, những tồn tại trên đã kéo dài từ năm 2019 đến nay, do vậy đề nghị thành phố làm rõ các giải pháp để kiểm soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu số 8) cho rằng, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là vấn đề “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm. Không thể phủ nhận vai trò, hiệu quả của các cơ quan chức năng thành phố thời gian qua, song đại biểu nhấn mạnh rằng, rõ ràng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này không bảo đảm an toàn vệ sinh nhưng vẫn hoạt động; trong khi các cơ sở giết mổ tập trung lại không hoạt động đủ công suất.
“Đề nghị lãnh đạo thành phố đưa ra các giải pháp cho vấn đề này. Trong đó, có nên xem xét cấm hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đủ điều kiện, như vậy mới góp phần chấm dứt tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đem bán ra thị trường”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu.