Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du: Không muốn đi theo lối mòn

Giải trí - Ngày đăng : 05:50, 18/09/2022

(HNMCT) - Hơn 40 năm gắn bó với sân khấu qua vai trò diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) luôn có cách làm sáng tạo để thu hút khán giả. Mới đây, 2 vở kịch của ông là “Thiên mệnh” (do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng) và “Lá đơn thứ 72” (do Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng) đã gây tiếng vang trong giới sân khấu và khán giả cả nước.

1. Gặp nhà viết kịch Hoàng Thanh Du, tôi nói: “Xin chào Đại tá Mai Đức Nhẫn” và nhận được nụ cười dễ mến từ ông. Đại tá Mai Đức Nhẫn trong bộ phim truyền hình “Bão ngầm” là vai diễn gần đây nhất của ông. Mặc dù đã chuyển sang viết kịch bản nhưng ông vẫn nhận lời tham gia diễn xuất để đỡ... nhớ nghề và cũng là cách để ông trau dồi kiến thức áp dụng vào công việc chính hiện tại. Bởi theo ông, viết kịch bản là công việc rất khó khi phải tưởng tượng, sáng tạo cốt truyện, đưa ra thông điệp nhân văn, ý nghĩa, mang tính thời sự và viết lời thoại cho rất nhiều nhân vật với diễn biến tâm lý phức tạp.

Còn nhớ, tại hội thảo do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội tổ chức để bàn cách nâng tầm vị thế của sân khấu Thủ đô cách đây chưa lâu, cánh nhà báo “bám chặt” ông để xin bài tham luận. Với lời lẽ thẳng thắn, bộc trực và đầy tâm huyết cùng dẫn chứng thuyết phục, ông đã nói đúng, nói trúng vấn đề mà sân khấu Thủ đô phải làm nếu không muốn bị tụt hậu: “Sân khấu phải thiết thực, phải có sức chiến đấu, phải dự báo cuộc sống và quan trọng hơn cả là khi khán giả đến rạp, ngoài thưởng thức tài nghệ biểu diễn của các nghệ sĩ, họ còn mong mỏi xem một tác phẩm sân khấu với những thân phận có thực trong đời, một hướng đi nhân văn thẩm mỹ và một triết lý mới mẻ về cuộc sống hôm nay. Những người làm sân khấu đã khi nào tự hỏi rằng mình có vì tâm tư, yêu cầu của khán giả hay chưa? Trong khi ngoài xã hội đang có quá nhiều vấn đề về giáo dục, đời sống, an sinh xã hội... mà không ai viết ra để diễn...”.

2. Hoàng Thanh Du bảo ông đến với sân khấu như một định mệnh và hạnh phúc, dù chuyển qua rất nhiều cơ quan nhưng ông vẫn giữ được nghề, phát triển với nghề. Ông theo nghề cũng là tiếp nối truyền thống của gia đình khi có bố là đạo diễn Hoàng Thanh Giang, một trong những người sáng lập Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội).

Cuối năm 1974, ông tham gia Đoàn kịch Trường Sơn (nay là Đoàn Văn công Quân khu 2), 3 năm sau lại theo đạo diễn Văn Thơm vào Cần Thơ để thành lập Đoàn Văn công Quân khu 9. Năm 1981, ông về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, cùng lứa với Lê Khanh, Đức Hải, Chí Trung... Đến năm 1988, khi diễn viên Trần Vân, "kép chính" của Nhà hát Kịch Hà Nội (Khi đó là Đoàn Kịch Hà Nội) bị ốm, ông được Nhà hát Kịch Hà Nội "mượn" và về công tác tại đây suốt 21 năm. Thế rồi, với sự đam mê, tìm tòi, ông đã theo học lớp đạo diễn rồi chuyển về công tác tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC từ năm 2009.

Dù ở vai trò diễn viên hay đạo diễn thì Hoàng Thanh Du vẫn làm việc say sưa, nghiêm túc, trách nhiệm. Trong vai trò diễn viên, ông từng giành Huy chương Vàng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như vai thằng Bờm trong “Lời nói dối cuối cùng”, vai Côn (“Mùa hạ cay đắng”), vai Địch (“Ăn mày dĩ vãng”). Với vai trò đạo diễn, ông cũng giành Huy chương Vàng trong các liên hoan phim toàn quốc với những bộ phim truyện, phim tài liệu như “Trên cao bầu trời vẫn xanh”, “Trên đỉnh Ninh Giang”, “Tình thắm Sa Pa”, “Cội nguồn”, “Những khuôn mặt đời trần”, “Hồ sơ văn hóa Việt”...

3. Mang tâm thế, kiến thức, kinh nghiệm của một diễn viên, một đạo diễn chuyên nghiệp, Hoàng Thanh Du chuyển sang viết kịch bản với sự sắc sảo, mới mẻ. Đến nay, ông là tác giả của khoảng 20 vở kịch đã được dàn dựng, trong đó “Thiên mệnh” (Huy chương Vàng Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021) và “Lá đơn thứ 72” là những vở nổi bật nhất. Trong vở “Thiên mệnh”, ông dựng chân dung cuộc đời Thái sư Trần Thủ Độ ở giai đoạn cuối đời khi phát huy vai trò của người có nhiều nỗ lực đóng góp để gây dựng nên cơ nghiệp nhà Trần.

“Xưa nay người dựng sân khấu về Trần Thủ Độ đa phần là với cái nhìn tiêu cực. Tôi thì lại đi theo con đường mới, đó là dựng nên một vị khai quốc công thần, người có vai trò cá nhân quan trọng và là trụ cột của triều Trần trong nhiều thập niên. Do đi theo hướng mới này nên nếu chọn cách tiếp cận, khai thác không hợp lý sẽ khiến cho vở diễn trở nên khiên cưỡng, dễ ngả theo một chiều, mang tính minh họa, thiếu chiều sâu, kém thuyết phục” - ông bộc bạch.

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” là một trong những vở diễn trọng điểm nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sự phối hợp thực hiện của hai nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Dựa trên một vụ án oan thời những năm 1960 - 1970 được kể lại bởi luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, ông đã chuyển thể thành một vở kịch mang tư tưởng hiện đại. Trong suốt 8 năm ròng, người tù ấy luôn chấp hành tốt tất cả các nội quy của trại nhưng không ngừng viết đơn gửi Bác Hồ với mong muốn được giải oan. Mặc cho cán bộ trại giam khuyên giải, bạn tù chế giễu, người tù ấy vẫn viết lá đơn thứ 72 gửi đến Bác Hồ. Cuối cùng, lá đơn thứ 72 đã đến tay Bác và người tù ấy đã được giải oan. Dù chuyện oan sai đã diễn ra mấy chục năm nhưng qua cách “kể” của đạo diễn và các nghệ sĩ trong từng lớp kịch, từng câu chuyện nhỏ về số phận nhân vật, người xem cảm nhận như là chuyện của đời sống hôm nay.

“Qua vở kịch này, tôi muốn đưa ra thông điệp rằng, phía sau mỗi phán quyết là số phận một con người, không thể bất cẩn, không thể vội vàng và nói rộng ra là muốn phê phán một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, làm việc tắc trách, xa rời quần chúng. Vở diễn đã khắc họa chân thực, thuyết phục về Bác Hồ - vị lãnh tụ luôn hết lòng vì dân, vì nước, gần dân, quan tâm tới người yếu thế” - ông nhấn mạnh.

Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du khẳng định: “Tôi không muốn viết những vở diễn về lịch sử để minh họa cho những câu chuyện đã được ghi chép lại và chưa có tính sáng tạo nhiều hoặc chưa đưa ra được góc nhìn của ngày hôm nay với những việc làm của người xưa. Khi viết kịch, tôi nhìn những sự kiện ấy bằng con mắt của ngày hôm nay”. Rồi ông bảo, nghệ thuật sân khấu là đưa những vấn đề của đời sống qua hình thức biểu đạt của sân khấu, tác động trực tiếp đến con người, vậy nên không thể đưa lên sân khấu một vấn đề nửa vời, một cách tiếp cận khô cứng, công thức, sáo mòn mà phải có sự sáng tạo, đổi mới, phù hợp với cuộc sống đương đại. Bởi vậy, ông thấu hiểu sự quan trọng của việc học, học từ trường lớp, bạn bè, đồng nghiệp và học ở những tác giả trẻ để cách viết của mình gần gũi với đời sống, đi vào vấn đề mà khán giả đang quan tâm, mong mỏi.

Đăng Khoa