65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025):Cơ hội bứt phá và tỏa sáng trong kỷ nguyên mới
Với cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn”, từ 63 tỉnh, thành, Việt Nam thực hiện tinh gọn còn 34 tỉnh, thành phố. Điều này đang mang lại cơ hội lớn cho ngành Du lịch trong việc vẽ lại “bản đồ du lịch Việt Nam”, định vị điểm đến, xây dựng và phát triển các tuyến du lịch mới để tạo sự đột phá trong phát triển và quảng bá điểm đến.

Mở rộng vùng du lịch
Sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, các địa phương nhanh chóng bước vào ổn định tổ chức, hoạch định các kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, hoạt động du lịch được xem là một trong những công việc cần sớm triển khai, định vị lại điểm đến để tạo sự kết nối đồng bộ. Trong tổng số 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập địa giới hành chính, có 21 địa phương giáp biển, chiếm gần 62%. Điều này mang đến nhiều lợi thế cho các địa phương trong việc phát huy thế mạnh du lịch vùng núi, đồng bằng, cao nguyên và biển.
Đánh giá cơ hội phát triển mới cho du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính đang mở ra những cơ hội rất lớn để các địa phương mở rộng tài nguyên về thiên nhiên, văn hóa, từ đó làm nguồn lực để phát triển du lịch. Đây cũng là thời cơ để các địa phương xây dựng các tour, tuyến mới, định vị lại hệ sinh thái du lịch, kết nối những điểm đến du lịch tiềm năng mang tính liên vùng.
Hiện nay, nhiều địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào việc hoạch định kế hoạch phát triển cho du lịch. Tỉnh Ninh Bình sau khi sáp nhập (hợp nhất 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam), hiện đã sở hữu hơn 5.000 di tích, trong đó có những khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; chùa Tam Chúc, khu di tích đền Trần, quần thể Phủ Dầy và đường bờ biển dài trên 70km với tiềm năng du lịch biển, nghỉ dưỡng... Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, Ninh Bình lên kế hoạch xây dựng một thương hiệu tổng hợp, đa sắc thái, giàu bản sắc với đặc trưng là điểm đến du lịch 4 mùa với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch từ văn hóa, lịch sử, sinh thái rừng, sinh thái biển, tâm linh…
Còn tại tỉnh Tuyên Quang (hợp nhất 2 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang), địa giới hành chính mở rộng, địa phương sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch về nguồn, khám phá văn hóa.
Tại Hà Nội, mặc dù địa giới hành chính không có sự thay đổi, nhưng Sở Du lịch Hà Nội cũng đang đẩy mạnh liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng để tạo hệ sinh thái du lịch bền vững giữa Thủ đô và các địa phương. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nhận định, du lịch Thủ đô và cả nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để đổi mới, sáng tạo, mở rộng những sản phẩm mang tính liên vùng hấp dẫn.
Tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo
Trong nửa năm qua, mặc dù là thời điểm các địa phương tập trung chuẩn bị sắp xếp lại địa giới hành chính, song ngành Du lịch Việt Nam vẫn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách trong 6 tháng đầu năm đạt gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19, góp phần vào việc đạt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước - là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, có được thành tích này là nhờ chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là chính sách thị thực thông thoáng, hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến quảng bá và kích cầu du lịch. Ngoài ra, các địa phương cũng rất nỗ lực trong xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Năm nay, sự thay đổi, sắp xếp địa giới hành chính của cả nước được thực hiện vào đúng thời điểm ngành Du lịch Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập (9/7/1960 - 9/7/2025). Đây không chỉ là cơ hội để ngành Du lịch nhìn lại chặng đường phát triển đầy tự hào, mà còn là dịp để toàn ngành hoạch định lại tương lai, đáp ứng được sự phát triển trong “kỷ nguyên vươn mình”.
Trong thư chúc mừng ngành Du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, trong chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Du lịch Việt Nam cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 72 lần, từ 250 nghìn lượt vào năm 1990 lên 18 triệu lượt vào năm 2019; du lịch đóng góp 9,2% trong GDP nền kinh tế.
“Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng. Ngành Du lịch với vị thế đã được khẳng định cần tiếp tục kế thừa, phát huy bản lĩnh, tinh thần nỗ lực vượt khó; đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, cách làm; triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, tăng cường liên kết hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Cùng với các lĩnh vực khác, ngành Du lịch đang cho thấy sự bứt phá và vươn lên mạnh mẽ. Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, du lịch Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn và không ít thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục nỗ lực đổi mới tư duy, cách làm, không ngừng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.