Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm động vật theo chuỗi liên kết:Nâng hiệu quả kiểm soát chất lượng thực phẩm
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn sinh học.
Qua đó, không chỉ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mà còn cung ứng ra thị trường các sản phẩm động vật sạch và an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hiệu quả kinh tế cao
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (xã Kiều Phú) Nguyễn Đình Tường cho biết, với tổng đàn khoảng 1.000 con lợn thịt chăn nuôi theo chuỗi sinh học khép kín, hợp tác xã không chỉ chủ động được thị trường tiêu thụ, mà giá bán thịt lợn loại này còn cao hơn so với thịt lợn thông thường 10-15%, cung cấp cho các công ty, các cửa hàng tiện ích liên kết tiêu thụ với hợp tác xã thông qua việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ vào chất lượng lợn thịt được kiểm soát theo chuỗi, bảo đảm an toàn, trung bình mỗi ngày, chuỗi sản xuất của hợp tác xã cung cấp ra thị trường Hà Nội từ 3 đến 5 con lợn thịt mang nhãn hiệu “Thịt lợn sạch Quốc Oai”, cho doanh thu khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng/tháng.
Với mong muốn phát triển bền vững, ngay từ khi thành lập, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (xã Thường Tín) đã ký kết hợp tác với các trang trại để thống nhất quy trình sản xuất từ con giống, nguồn thức ăn, kiểm soát dịch bệnh đến bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các chủ trang trại. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ chia sẻ, với quy trình quản lý chặt chẽ, các trang trại của công ty đã được chứng nhận VietGAP và từng bước hình thành, phát triển được chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm Organic Green không chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện, công ty có cơ sở giết mổ tập trung tại xã Nam Phù với công suất khoảng 100 con/ngày; toàn bộ thịt được chế biến thành thịt mát đóng gói, xúc xích, chân giò hun khói, giò chả… Sản phẩm được tiêu thụ trên hệ thống, với hơn 100 cửa hàng bán lẻ của chuỗi.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, với những lợi ích của việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất tới bàn ăn, thời gian qua, Sở đã xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm. Cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hoàn thiện quy trình chuỗi khép kín cho khoảng 53 chuỗi, góp phần truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, ổn định nguồn cung thực phẩm an toàn tiêu thụ qua hệ thống chuỗi và thông qua các cửa hàng tiện ích, mang đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Nhìn chung, việc chăn nuôi theo hình thức chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi truyền thống. Người chăn nuôi không chỉ được quản lý chặt chẽ từ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng, mà còn được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật hiện đại, tăng tính cạnh tranh và bám sát nhu cầu thị trường của sản phẩm.
Thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết
Hiệu quả đã rõ, nhưng việc sản xuất, kiểm soát chăn nuôi theo chuỗi liên kết vẫn còn nhiều khó khăn, do Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, trực tiếp ảnh hưởng đến các vùng, trang trại chăn nuôi và hệ thống chuỗi liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Thị trường tiêu thụ còn bấp bênh do giá lợn chăn nuôi an toàn theo chuỗi cao hơn so với giá lợn truyền thống bán tại chợ. Ngoài ra, do chi phí đầu tư lớn, nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi. Hơn nữa, phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng thịt "nóng", giết mổ trong ngày, được bày bán tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống, phần nào kìm hãm sự phát triển của hệ thống cửa hàng tiện ích chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi.
Để nhân rộng và mở rộng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi, nhằm kiểm soát chất lượng thịt bán trên thị trường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn công nghiệp Hà Nội (phường Hà Đông) Phạm Hồng Duy cho rằng, các ngành chức năng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng nhà máy, ký kết hợp đồng với các trang trại, hộ chăn nuôi, nhằm phát triển chuỗi liên kết, đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn; đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Người chăn nuôi cũng cần chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, tuân thủ đúng điều kiện ký kết hợp đồng với công ty, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khép kín, góp phần tổ chức lại ngành chăn nuôi, gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc truy xuất hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến động vật và sản phẩm động vật, tạo điều kiện để các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng trong liên kết chuỗi được lưu thông, tiêu thụ thuận lợi. Các địa phương cần hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi khép kín gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.