VCCI đề xuất bỏ giới hạn khuyến mại 50%, chuyển sang cơ chế hậu kiểm
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 39/2025/TT-BCT quy định hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.

Cụ thể, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá bán. Đây là quy định được xây dựng nhằm ngăn ngừa hiện tượng phá giá, thao túng thị trường và cạnh tranh không lành mạnh đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 này.
Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, “trần” khuyến mại này đang hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử phát triển nhanh, nhu cầu tiếp thị linh hoạt và sáng tạo ngày càng lớn.
Việc phải xin phép hoặc đối chiếu tỷ lệ khuyến mại theo quy định hành chính khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó, thậm chí phải lách luật để tồn tại.
Do đó, VCCI đề xuất bỏ giới hạn khuyến mại 50%, chuyển hoàn toàn sang cơ chế hậu kiểm, tức là không yêu cầu đăng ký, không giới hạn mức khuyến mại, nhưng vẫn giám sát thông qua Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vốn không có ngân sách truyền thông lớn lại cần khuyến mại sâu như một công cụ sinh tồn và cạnh tranh.
Nếu giữ trần 50%, vô hình trung sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế phải dùng thủ thuật giá, tặng kèm, khuyến mãi ngoài hệ thống… Điều này dẫn đến môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, khó kiểm soát.
Cơ chế hậu kiểm thực sự hiệu quả nếu đi kèm ba điều kiện: Dữ liệu minh bạch (về thời gian, mức giảm, lý do giảm), người tiêu dùng được trao quyền giám sát (thông qua nền tảng phản ánh, công cụ so sánh giá) và năng lực xử lý nhanh của cơ quan quản lý thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh tiêu dùng còn đang khó khăn, việc khuyến mại sâu, linh hoạt là cách để tạo lực cầu, xả tồn kho và kích hoạt chuỗi cung ứng.